Khi năm mới đang đến gần, các gia đình Việt lại nô nức sắm sửa lễ vật, đồ cúng để tiễn Táo Quân về trời vào ngày 23 tháng Chạp. Đây không đơn thuần là một nghi lễ truyền thống tâm linh mà ẩn sâu phong tục này còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về lòng biết ơn, sự bảo vệ gia đình, khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, mỗi gia đình đều có các vị Táo Quân (hai ông – một bà) quanh năm ở trong bếp, giữ vai trò bảo vệ bếp lửa, ngăn chặn ma quỷ, đem lại bình an cũng như cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Sự tích Táo Quân bắt ngồn từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ trong Lão giáo Trung Quốc sau được người Việt chuyển hóa sự tích “hai ông - một bà” gồm thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Vì quanh năm ở bếp, ba vị Táo Quân chứng kiến mọi việc tốt xấu trong gia đình. Đến ngày đưa ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), Táo Quân cưỡi cá chép hóa rồng để lên Thiên đình trình báo tất cả mọi việc làm tốt, xấu của gia chủ trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới, tiếp tục công việc trông coi bếp lửa.
Ảnh minh họa
Từ xa xưa, người dân Việt thờ cúng Táo Quân với hi vọng "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Trong nhiều gia đình Việt, ông Táo được thờ cúng trang trọng ở gian bếp với bát hương và đôi khi có thêm tượng đất nung nhỏ tượng trưng cho hai ông, một bà. Trước ngày 23 tháng Chạp, gia đình thường dọn dẹp bàn thờ ông Táo, bà Táo, chuẩn bị lễ vật vàng mã, hương hoa, mâm cỗ, cá chép để tiễn các vị Táo Quân về trời.
Đây là cách thể hiện lòng thành kính và mong muốn nhận sự che chở, ban phước lành của ông Táo, bà Táo trong năm mới. Đặc biệt, sau khi cúng, mọi người thường thả cá chép ra ao hồ, mang ngụ ý "cá vượt Vũ môn" – biểu tượng cho khát vọng vươn lên, kiên trì, bền bỉ. Bởi cá chép trong văn hóa Đông Phương không chỉ mang hình tượng cao quý mà còn gắn liền với những bài học về sự cố gắng, bất chấp khó khăn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Mê Linh
Giữa thời đại hội nhập, biến đổi nhanh chóng, những phong tục tốt đẹp như ngày ông Công ông Táo bên cạnh góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc còn tạo cơ hội tốt để gắn kết tình cảm gia đình và xã hội. Không đơn thuần là nghi lễ tâm linh, ngày đưa ông Công ông Táo là dịp quý giá để mọi người trở về nhà gác lại những lo toan, cùng nhau sum họp, quay quần chia sẻ niềm vui, lòng biết ơn, vun đắp tình cảm sau một năm làm việc vất vả. Hơn thế nữa, nghi lễ mang tính giáo dục cao, nhắc nhở con cháu về ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa. Điều này đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt, nhấn mạnh giá trị cốt lõi của sự gắn kết mái ấm gia đình trong cuộc sống.
Trang Thanh
Bình luận