Bánh Tét là đặc sản ngày Tết có ý nghĩa quan trọng đối với người miền Nam. Vì vậy, hình ảnh các gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa chờ bánh chín vào những ngày cuối đông đã trở thành ký ức tuổi thơ đẹp đẽ trong tim mỗi người. Khác với bánh Tét thông thường, bánh Tét lá cẩm mang hương vị thơm ngon kết hợp với màu tím độc đáo, tạo nên dấu ấn ẩm thực khó phai trong lòng người dân Nam bộ.
Nếu ở miền Bắc bánh Chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết, thì bánh Tét ở miền Nam cũng mang ý nghĩa tương tự. Vì vậy, một số người cho rằng, bánh Tét là biến thể của bánh Chưng, có nhiều cách giải thích cho vấn đề này, một trong số đó là do miền Tây Nam bộ ảnh hưởng văn hóa Chăm với tín ngưỡng “Phồn Thực”. Vì thế, sang miền Nam bánh Chưng chuyển thành bánh Tét có hình trụ dài giống với chiếc Linga là biểu tượng của sức sống, sự trường tồn và hùng mạnh.
Chính vì ý nghĩa đặc biệt của bánh Tét trong mâm cơm đầu xuân nên ở miền Tây đã có nhiều loại bánh khác nhau ra đời. Bên cạnh những chiếc bánh có lớp vỏ ngoài màu xanh nhạt, người dân Cần Thơ đã sáng tạo ra bánh Tét lá cẩm mang màu tím đặc trưng và hương vị thơm ngon trứ danh, tạo nên dấu ấn ẩm thực khó phai cho mảnh đất gạo trắng nước trong này.
Bà Huỳnh Thị Trọng hay còn được gọi với cái tên thân thương bà Sáu Trọng
Bánh Tét lá cẩm ra đời nhờ vào sự dày công sáng tạo của bà Huỳnh Thị Trọng (bà Sáu Trọng), hiện đang cư trú tại một con hẻm nhỏ thuộc quận Bình Thủy, ngoại ô thành phố Cần Thơ. Bà Sáu Trọng, đến nay đã ngoài 70, bà nối nghiệp gia đình theo nghề truyền thống từ năm hai mươi tuổi. Trong quá trình làm nghề, tình cờ bà học được cách sử dụng lá cẩm từ người chồng chuyên làm bánh Tây. Thấy vậy, bà thử dùng nước lọc từ loại lá này để pha nếp và tạo ra bánh Tét lá cẩm như hiện tại. Suốt hơn nửa đời người, mỗi ngày bà đều cần mẫn vò nếp, nấu bánh và truyền dạy lại cho con cháu. Ba thế hệ nhà họ Huỳnh đều theo nghề truyền thống, đã góp phần mang thương hiệu bánh Tét lá cẩm họ Huỳnh nổi danh khắp xứ Tây Đô.
Bánh có màu tím đặc trưng, thu hút thực khách khó tính ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Nếp dẻo quyện cùng vị ngọt của từng thớ thịt, trộn lẫn với hương thơm ngào ngạt từ trứng muối đã giúp loại bánh này trở thành món ăn hấp dẫn, không thể bỏ lỡ trong ngày Tết của người dân khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Quy trình làm ra những đòn bánh Tét lá cẩm hết sức công phu
Vào những ngày đầu năm, người miền Nam thường chuẩn bị hai loại bánh Tét: Chay và mặn. Bánh chay để cúng tổ tiên, trời đất, còn lại bánh mặn dùng trong bữa ăn. Vì thế, nhân bánh Tét lá cẩm cũng vô cùng đa dạng từ món chay (đậu xanh, chuối) đến món mặn (thịt, trứng muối, tôm khô,...) và được biến tấu tùy theo sở thích của mỗi người.
Bánh Tét lá cẩm là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Cần Thơ
Dù ngày nay trên thị trường xuất hiện vô số loại bánh khác nhau, nhưng bánh Tét lá cẩm vẫn chiếm được vị thế quan trọng trong lòng người tiêu dùng. Bởi nó mang màu sắc bắt mắt và hương vị ngọt ngào khó quên; Mặt khác, bánh còn chứa đựng ý nghĩa nhân sinh cao cả. Chiếc bánh được bọc trong nhiều lớp lá chuối tựa như người mẹ bao bọc lấy con mình, việc ăn bánh Tét gợi lại nỗi nhớ về mẹ, người luôn thầm lặng che chở, hy sinh và nuôi con khôn lớn. Bánh Tét tựa như lời nhắc nhở mỗi người con Việt Nam phải luôn hiếu thảo, biết ơn và ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, góp phần tạo nên một ngày Tết ý nghĩa và trọn vẹn.
Nhờ quá trình sáng tạo không ngừng của bà Sáu Trọng, bánh Tét lá cẩm nay đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong ngày Tết của người Cần Thơ nói riêng và người dân khắp miền Tây Nam bộ nói chung. Với hương vị, màu sắc đặc trưng cùng giá trị văn hóa và nhân sinh cao cả, bánh Tét lá cẩm xứng đáng trở thành một trong những món ăn nhất định phải thử trong dịp xuân này.
Bình luận