Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND; tổ chức thi hoa hậu; số hóa di sản; thực hiện mục tiêu đón khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng trung tâm thể dục thể thao cho cộng đồng,… là những vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 28/7.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2022 - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Trong thời gian qua, ở lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; phối hợp các địa phương xây dựng hồ sơ khoa học ở các lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu trình UNESCO ghi danh trong năm 2022.
Ở lĩnh vực điện ảnh, Bộ VHTT&DL đã trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày 15/6/2022; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đã xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học; xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sư nghiệp nghệ thuật công lập.
Đối với việc bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan, Bộ VHTT&DL đã phối hợp hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Ở lĩnh vực thể dục, thể thao: Tập trung lực lượng tham dự ASIAD 19, SEA Games 31 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới; tổ chức và tham dự các giải thể thao trong và ngoài nước.
Du lịch nội địa vượt thời điểm trước dịch
Về du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 413.400 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 60,8 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, ngành du lịch mong muốn khi mở cửa lại du lịch sẽ đón được khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Đến nay, chúng ta đã đón khoảng 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu đề ra. Khách quốc tế đến thời điểm này chưa đạt đến 1 triệu lượt, mới dừng ở 733.500 lượt.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc chúng ta vửa phải đối phó với dịch COVID-19 vừa phải ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, cúm A. Nhiều thị trường trọng điểm còn chưa mở cửa, điển hình là Trung Quốc vẫn đang ở chế độ "Zero COVID"…
Để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp với các đối tác liên quan, các văn phòng đại diện, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở các nước để tiến hành chương trình quảng bá, xúc tiến, tạo hành lang pháp lý tốt nhất trong nước để thu hút khách.
Sẽ tiến hành rà soát việc cấp phép, tổ chức thi hoa hậu
Trước các ý kiến cho rằng, có quá nhiều cuộc thi hoa hậu và việc tổ chức nhiều cuộc thi chưa tốt, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn-Bộ VHTT&DL cho biết, Cục sẽ tiến hành rà soát việc cấp phép, tổ chức thi hoa hậu tại nhiều địa phương.
Ông Trần Hướng Dương cũng cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tích cực tham mưu để hoàn thiện công tác quản lý, xử lý vi phạm trong việc triển khai, đưa ra giải pháp xử lý tình huống. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục rà soát, triển khai các chương trình theo công văn, văn bản cũng như những vấn đề phát sinh.
Ông Trần Hướng Dương cũng thẳng thắn chỉ ra, nhìn nhận đa chiều vẫn còn những hạn chế. Cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đã ký quyết định thành lập ban kiểm tra, trong đó có việc kiểm tra vấn đề liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sau khi dư luận phản ánh có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức và được tổ chức chưa tốt, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã kiểm tra ở Đà Nẵng và Hà Nội. Sắp tới cục sẽ làm việc tại TPHCM.
Ông Trần Hướng Dương thông tin, trước đây mỗi năm có 2 cuộc thi cấp quốc gia, 2 cuộc thi cấp quốc tế, 3-5 cuộc thi hoa khôi hoặc hơn một chút… như vậy có khoảng từ 9-12 cuộc thi được tổ chức trong năm. Năm nay có nhiều cuộc thi hoa hậu là vì dịch COVID-19, nhiều cuộc thi của các năm trước dồn lại, đến nay mới được triển khai.
"Đây là thực trạng chung của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động văn hóa xã hội được đồng loạt tổ chức, trong đó có thi hoa hậu. Hiện nay, có 22 cuộc thi hoa hậu được phép tổ chức chính thức, trong đó có 8 cuộc dồn lại từ năm 2021 do dịch COVID-19, như vậy trong năm nay có 14 cuộc được cấp phép tổ chức. Nhiều cuộc thi tổ chức liên tục vào mấy tháng với tần suất dày nên mới tạo cảm giác có quá nhiều cuộc thi hoa hậu", ông Dương nói.
Theo ông Trần Hướng Dương, Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2022 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực từ 1/3/2021, trong quá trình áp dụng vào thực tế cũng còn một số vấn đề bất cập. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ rà soát lại những bất cập này, trong đó có những điểm liên quan việc tổ chức các cuộc thi người đẹp.
Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ yêu cầu các sở sau khi cấp phép hay khi tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố cấp phép một cuộc thi người đẹp nào thì phải đăng trên cổng thông tin điện tử của sở để người dân theo dõi
Đồng thời, các sở văn hóa cũng phải gửi thông báo về cục vào ngày 25 hằng tháng về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được chấp thuận tổ chức tại địa phương mình.
Xét duyệt các danh hiệu NSƯT, NSND được thảo luận công khai
Về xét duyệt các danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Nghệ sĩ nhân dân (NSND), bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTT&DL) cho biết, quá trình này được hội đồng trong lĩnh vực sân khấu thảo luận công khai dựa trên cơ sở hồ sơ cá nhân được hội đồng cấp tỉnh, thành phố trình lên.
Với danh hiệu NSND, ngoài việc xét theo giải thưởng hoặc xét theo trường hợp đặc biệt là không có giải thưởng thì hội đồng sẽ đánh giá, xét duyệt dựa theo 4 tiêu chí đã quy định.
Ngoài đánh giá tài năng nghệ thuật, các thành viên hội đồng còn thảo luận về quá trình đóng góp và hoạt động nghệ thuật của các cá nhân, trong đó phải là những nghệ sĩ có đóng góp đặc biệt nổi trội có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa trong từng loại hình ngành nghề nghệ thuật.
Sau khi thảo luận, thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kín và công bố kiểm phiếu ngay tại hội đồng.
Diệp Anh
Theo Chinhphu.vn
Bình luận