Vòng đàm phán thứ 8 nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã được khởi động ở thủ đô Vienna (Áo) sau 150 ngày gián đoạn. Tuy nhiên, ngay cả trước những nỗ lực hiện nay thì những dự báo về triển vọng mà đàm phán mang lại cũng chỉ dừng ở mức thận trọng.
Ông Ali Bagheri Kani, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran. (Ảnh: Xinhua)
Hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin, Trưởng đoàn đàm phát hạt nhân Iran Ali Bagheri Kani và ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna đã dẫn đầu đoàn đại biểu hai nước tham gia vòng đối thoại hạt nhân trong ngày 4/8.
Trong một thông điệp đưa ra sau sự kiện này, ông Ulyanov đánh giá, Moscow và Tehran đã có cuộc trao đổi quan điểm thắng thắn, thực tế và mang tính xây dựng về giải pháp tháo gỡ những vấn đề cuối cùng còn tồn tại.
Ngày 4/8, quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora cho biết, ông đang trên đường tới thủ đô của Áo để thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran trên cơ sở một đề xuất đã được nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell đưa ra trong vài tuần trở lại đây. Cùng ngày, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Rob Malley cũng xác nhận thông tin ông đang chuẩn bị tới Vienna để tiến hành các cuộc thảo luận dựa trên tinh thần đề xuất từ phía ông Borrell.
“Kỳ vọng của chúng tôi đang dừng ở mức kiềm chế. Tuy nhiên Mỹ hoan nghênh các nỗ lực của EU và sẵn sàng cho một nỗ lực thiện chí để tiến tới thỏa thuận. Việc liệu Iran có sẵn sàng cho kịch bản tương tự hay không cũng sẽ sớm được sáng tỏ” – ông Malley viết trên Twitter.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác trong chính quyền ông J.Biden cũng khẳng định họ không quá kỳ vọng rằng các vòng đàm phán tiếp theo mang lại kết quả đột phá trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran vốn bị đình trệ bấy lâu nay. Cuối tháng 6/2022, Qatar đã tổ chức cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington với hy vọng đưa tiến trình đàm phán trở lại đúng hướng song nỗ lực này vẫn chưa giúp đem lại bước đột phá.
Một phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đánh giá cao những nỗ lực của Borrell và lưu ý rằng Mỹ đã "sẵn sàng để tiến gần tới một thỏa thuận và ngay lập tức triển khai những đề xuất được đưa ra từ tháng 3/2022”. Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng lưu ý thêm rằng, để đạt được thỏa thuận, Iran sẽ phải từ bỏ các yêu cầu không liên quan đến JCPOA.
"Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra, mặc dù ở giai đoạn này, kỳ vọng chung của chúng tôi vẫn ở mức thấp”- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Trưởng đoàn đàm phán của Tehran Ali Bagheri Kani, người đang dẫn đầu phái đoàn Iran đàm phán ở Vienna, ngày 4/8 khẳng định, trách nhiệm thuộc về những người đã phá vỡ thỏa thuận. Đại diện ngoại giao này kêu gọi Mỹ cần nắm bắt cơ hội do các đối tác "hào phóng" tham gia JCPOA mang lại.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã nhấn mạnh quyết tâm của Iran nhằm đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ đảm bảo các quyền và lợi ích của quốc gia Iran.
Sau tiến trình đàm phán dài hơi, vào tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử hay còn được biết đến với gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện. Theo tinh thần của bản thỏa thuận, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút thỏa thuận và tái áp đặt biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã được khởi động từ tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo song bị đình trệ từ tháng 3/2022 do những khác biệt chưa thể thu hẹp giữa Iran và Mỹ./.
T.Lan (Theo Xinhua, Reuters, CNN)
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/cac-ben-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-iran-tai-vienna-ao-616749.html
Bình luận