Đẩy mạnh phát triển thị trường dệt may
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Đẩy mạnh phát triển thị trường dệt may
Tin Quốc Tế

Đẩy mạnh phát triển thị trường dệt may

Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

(Ảnh minh hoạ: K.D) 

Đó là thông tin mới nhất vừa được Bộ Công Thương đưa ra trong báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 1/2021. Báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh, đến nay trên thế giới, tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tháng 1/2021, chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ như: sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1/2021 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương cũng nhận định, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới.

Đồng thời, tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp dệt may cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, về vệ sinh an toàn sản phẩm, tránh bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Cùng chia sẻ về những giải pháp để thúc đẩy ngành dệt may phát triển trong năm 2021 cũng như những năm tiếp theo, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp dệt may cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, về vệ sinh an toàn sản phẩm, tránh bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, tập trung thực hiện chương trình phát triển bền vững, xanh hoá ngành dệt may. Đầu tư với công nghệ hiện đại, phát thải thấp hoặc không phát thải như sản xuất sợi, nhuộm công nghệ ít nước hoặc không dùng nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần ứng dụng hiệu quả các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, giảm số lượng lao động đến mức cần thiết. Quan trọng hơn là việc đón bắt cơ hội chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc và một số nước; liên doanh, liên kết mở rộng nhà máy hiện có hoặc đầu tư mới, nhất là lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm. Ngoài ra, chú trọng chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao cho chương trình chuyển đổi số và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin: K.D
Theo dangcongsan.vn

Bình luận