Tết Nguyên đán hằng năm thường là dịp thị trường du lịch sôi động, nhưng năm nay do dịch COVID-19 bùng phát nên ngành du lịch của nhiều địa phương rơi vào trạng thái ảm đạm.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khiến ngành du lịch một lần nữa lâm vào cảnh thất thu. Ảnh internet
Các tour bán được trong dịp Tết năm nay chủ yếu là tour ngắn ngày và đi theo nhóm nhỏ với gia đình và bạn bè thân thiết, còn các tour khách đoàn, tour ghép khách lẻ đều sụt giảm mạnh.
Năm nay, do dịch bệnh bùng phát nên lượng người ở lại TPHCM ăn Tết khá đông vì thế các doanh nghiệp du lịch và lưu trú đã nỗ lực kích cầu du lịch tại chỗ, đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch, thực hiện 5K để tạo sự an tâm, an toàn cho du khách.
Mặc dù có nhiều chương trình ưu đãi khuyến mãi, giảm giá được tung ra nhưng công suất phòng của các cơ sở lưu trú tại TPHCM chỉ dưới 10%. Tại các điểm như đường hoa Nguyễn Huệ, Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên,... lượng khách cũng giảm rõ rệt.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại 2 địa phương trọng điểm về du lịch là Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận. Theo đó, trong 7 ngày Tết, Bình Thuận chỉ đón khoảng 20.000 lượt khách lưu trú, giảm 82% so với Tết năm 2020. Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu lượng khách cũng chỉ khoảng 102.000 lượt người, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo về hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, từ ngày 10 đến 16/2, ngành du lịch Thủ đô đã đón 122.000 lượt khách, đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Khách đến Hà Nội chủ yếu là khách nội địa, hầu như không có khách quốc tế.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các điểm du lịch lớn của Thủ đô đã phải dừng hoạt động, hoặc mở cửa nhưng dừng tổ chức các hoạt động đón xuân nên lượng khách đến giảm so với những năm trước.
Tại Gia Lai, du lịch mùa Tết Nguyên đán 2021 đã bị đình trệ với lượng khách giảm sâu kỷ lục: Hơn 90%. Thiệt hại thấy rõ nhưng giải pháp vực dậy ngành “công nghiệp không khói” không phải là chuyện một sớm một chiều.
Nếu như mọi năm, từ ngày mồng 3 đến 5 Tết là cao điểm du khách đến với Đà Lạt khiến toàn bộ các dịch vụ du lịch của thành phố này lâm vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, nhiều tuyến đường trong nội đô thường lâm vào cảnh ùn tắc kéo dài, di chuyển khó khăn, các khu du lịch đông nghẹt người... thì năm nay, tình trạng đó không còn. Những ngày đầu năm, Đà Lạt vắng tanh du khách, đường sá thông thoáng lạ thường.
Tương tự, lượng khách đến Nha Trang trong dịp Tết giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú trong 5 ngày (từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) là 27.100 khách, chỉ đạt hơn 13% so với dịp Tết 2020 - thời điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tại đảo ngọc Phú Quốc, những ngày qua cũng chỉ đón khoảng 22.000 lượt khách, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Chiến lược phát triển du lịch trong bối cảnh mới
Mới đây, trao đổi với báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chia sẻ về chiến lược phát triển du lịch trong bối cảnh du lịch Việt Nam năm thứ hai liên tiếp phải ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, vì vậy thị trường nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo trong ngắn hạn. Trong năm nay, Bộ tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục triển khai hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình trước đó; lấy du lịch nội địa làm nội lực duy trì hoạt động của ngành, chú trọng phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương - doanh nghiệp - truyền thông; đẩy mạnh hợp tác công-tư. Tập trung xúc tiến quảng bá các địa phương, điểm đến mới đang có dư địa phát triển, có sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó làm động lực lan tỏa ra các khu vực, địa phương khác.
Bộ sẽ triển khai rõ nét hơn Kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới; Tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh ngành du lịch sau đại dịch. Truyền thông, quảng bá xúc tiến chuyển sang đẩy mạnh qua mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến thay vì cách thức truyền thống. Ngoài ra, ngành cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn đối với khách du lịch, bảo vệ môi trường tại các điểm đến du lịch.
Trước hết Bộ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh để tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch cũng nằm trong dự tính của ngành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung hiện thực hóa một loạt đề án được Chính phủ phê duyệt: Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Đề án nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bộ sẽ xây dựng và triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển.
Ngành cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kịp thời khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu.
Bình luận