Hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến 480.000 người thiệt mạng trong 2 thập kỷ qua. Trong đó, Puerto Rico, Myanmar và Haiti là những nơi chịu tác động nặng nhất.
Mở đầu Hội nghị thích ứng khí hậu do Hà Lan tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 25/1, đại diện tổ chức môi trường Germanwatch của Đức cho biết kể từ đầu thế kỷ 21 này đến nay, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính lên đến 2.560 tỷ USD.
Số liệu từ tổ chức môi trường Germanwatch của Đức sau khi nghiên cứu hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy, gần 480.000 người đã thiệt mạng trong 2 thập kỷ qua, trong đó Puerto Rico, Myanmar và Haiti là những nơi chịu tác động nặng nề nhất.
Germanwatch cũng đã đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra kể từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là mùa bão năm 2019 với nhiều cơn bão và lốc xoáy lớn tàn phá khu vực rộng lớn ở Caribe, Đông Phi và Nam Á. Kết quả cho thấy những nước nghèo dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giải quyết những hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan.
Đáng chú ý, nghiên cứu gần đây cho thấy số tiền trợ giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu trên thực tế thấp hơn rất nhiều. Ước tính, mỗi năm các nước đang phát triển cần 70 tỷ USD, nhưng số tiền hỗ trợ thực tế hiện nay chỉ đạt 30 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia đang phát triển cũng là nhóm chính phải đối mặt với các thách thức to lớn từ thời tiết cực đoan.
Trong báo cáo Khoảng cách thích ứng đưa ra trong tháng này, Chương trình Môi trường LHQ cho biết, chi phí thực tế hàng năm cho công tác thích ứng khí hậu có thể tăng lên đến 300 tỷ USD vào năm 2030 và 500 tỷ USD vào giữa thế kỷ này.
Tin: An Bình
Theo baochinhphu.vn
Bình luận