Vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong bối cảnh hiện nay được xem là một trong những xu hướng phát triển nông thôn, góp phần gia tăng giá trị cho cộng đồng địa phương.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2018 – 2020, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Hậu Giang đã công nhận 46 sản phẩm OCOP của 21 chủ thể, trong đó có 26 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh phát huy lợi thế về nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang còn chú trọng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp tham quan các khu di tích lịch sử, du lịch miệt vườn…
Hiện tại, Hậu Giang đã có các điểm du lịch cộng đồng thu hút khách như vùng trồng khóm Cầu Đúc, vườn dâu Thiên Anh, trại nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào… Bên cạnh đó, một số làng nghề cũng tạo được sức hút như làng trầu Vị Thủy, làng nghề đan lát Vị Thanh…
Các đại biểu tham quan điểm du lịch cộng đồng Cơ sở nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Giới thiệu về Bộ tiêu chí nhóm sản sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, TS. Ngô Thị Thu Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết, mục tiêu của Bộ tiêu chí này là đánh giá các sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở xây dựng một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, đa dạng và phát triển bền vững, bảo tồn di tích và bản sắc văn hóa vùng miền, nhằm đóng góp cho sự thịnh vượng kinh tế xã hội của người dân và có ý nghĩa đối với người dân địa phương gắn với phát triển xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch cần phải thực sự độc đáo; Đảm bảo phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý, điều hành; Có sự liên kết chuỗi trong quảng bá, tiếp thị; Chất lượng sản phẩm ngày càng được hoàn thiện…
Đánh giá tình hình thực tế, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, các chủ thể tham gia chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đều có vai trò quan trọng khác nhau, cùng liên kết, phối hợp để vận hành chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp hiệu quả, đem lại lợi ích tốt nhất cho tất cả các bên liên quan.
Đoàn Chủ tịch Hội thảo.
Sự liên kết này thể hiện ở một số khía cạnh: Các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện, cung cấp các nguồn lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức, quản lý, mở lớp tập huấn, hỗ trợ quảng bá cho các hộ dân, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp; Các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các doanh nghiệp, hộ dân, tổ chức đại diện cộng đồng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp cho du khách thông qua hợp đồng hoặc giao ước miệng; Các tổ chức trung gian (hợp tác xã, tổ chức du lịch cộng đồng, các tổ chức, hiệp hội xã hội khác) kết nối cộng đồng địa phương, điều phối các nguồn lực, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; Các đơn vị học thuật liên kết, hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hộ dân, nghiên cứu, đề xuất giải pháp, mô hình, triển khai các ứng dụng để hình thành sản phẩm mới hay nâng cấp sản phẩm, dịch vụ trong du lịch nông nghiệp.
“Tuy nhiên, các mối liên kết này còn khá lỏng lẻo, chưa mang tính hữu cơ và đồng bộ” - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhận định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định: “Với những lợi thế sẵn có, nông thôn Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có định hướng cho công tác phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”.
Bình luận