Xuất thân từ nông dân, kinh tế gia đình ông Lê Văn Tèo, 65 tuổi, ngụ ấp Phú Hạ 2, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trước đây phụ thuộc vào canh tác lúa và hoa màu, nhưng do diện tích sản xuất ít, nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2014, được Hội NCT và Hội Nông dân xã hỗ trợ, ông tham gia lớp tập huấn về mô hình nuôi lươn không bùn trong bồn xi-măng.
Với sự hướng dẫn kĩ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông xây dựng 2 bồn nuôi lươn. Sau vụ đầu mang lại thành công, năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư, phát triển thêm 16 bồn diện tích hơn 100m2 nuôi lươn thương phẩm. Đầu năm 2018, thấy lươn giống trên thị trường khan hiếm, ông lai tạo giống lươn để cung ứng cho người nuôi.
Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 16 bồn lươn thịt, mỗi bồn kích thước 2x3m; 18 bồn lươn giống, kích thước 0,8x1,2m và 10 bồn lươn bột 0,4x0,6m. Phương pháp nuôi có nhiều cải tiến so với truyền thống. Thay vì sử dụng nguồn cá tự nhiên, ông sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên.
Bồn nuôi lươn
Theo ông, việc sử dụng thức ăn công nghiệp giúp người nuôi chủ động được nguồn thức ăn, không gây ô nhiễm môi trường do thức ăn thừa, tránh được tình trạng lươn bị nhiễm bệnh, phù hợp với việc nuôi lươn mật độ cao. Ngoài ra, nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp không sợ nhiễm chất cấm trong thủy sản, phù hợp tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, so ăn phối trộn, thời gian nuôi kéo dài hơn 1 tháng, màu sắc không đẹp bằng cho ăn cá…
Đầu năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT và Hội Nông dân huyện, ông tham gia mô hình nuôi lươn tuần hoàn và đầu tư ứng dụng công nghệ cho ăn tự động bằng điện thoại thông minh. Mô hình này giúp tiết kiệm 85% chi phí lao động, giảm 15% chi phí thức ăn, tỉ lệ rủi ro giảm rõ rệt, góp phần giảm chi phí đầu tư cho 1kg lươn thành phẩm từ 120.000 đồng còn 70.000-80.000 đồng.
Ông cho biết, đối với lươn thịt, thả 2.000 con/bồn, đặt giá thể bằng dây ni-lon, nuôi 12 tháng sẽ xuất bán. Với giá bán từ 110.000-120.000 đồng/kg, mỗi bồn lươn thu hoạch khoảng 270-280kg, ông thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Đối với lươn giống nuôi với mật độ 3.000-4.000 con/bồn, lươn bột 3.000 con/bồn và đặt giá thể bằng lưới rong biển, chỉ riêng nửa năm 2022, ông bán được 40.000 con giống, giá từ 300-10.000 đồng/con, tùy kích cỡ...
Từ thành công với mô hình nuôi lươn của ông Lê Văn Tèo, nhiều nông dân ở địa phương đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Năm 2021, Hội Nông dân xã thành lập Hợp tác xã Thủy sản Kiến Thành với 10 thành viên. Đây còn là đầu mối tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia và phát triển mô hình kinh tế tập thể.
Các thành viên thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường, đời sống ngày càng cải thiện và nâng cao.
Mô hình nuôi lươn mang hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với nhiều hộ có diện tích đất sản xuất ít; vốn đầu tư không quá cao, cho thu nhập tương đối ổn định… nên thời gian qua có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư thực hiện. Đây là hướng đi phù hợp giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đông Thịnh
Theo ngaymoionline.com.vn
https://ngaymoionline.com.vn/lam-giau-tu-nuoi-luon-khong-bun-37971.html
Bình luận