Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu: Ngày đầu xuân ở Bình Dương
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu: Ngày đầu xuân ở Bình Dương
Tin Quốc Tế

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu: Ngày đầu xuân ở Bình Dương

Với quan niệm đầu xuôi đuôi lọt, thời khắc đầu tiên của mỗi năm sẽ đánh dấu và mở đầu cho mọi việc trong năm, chính vì vậy ngày rằm tháng giêng thường niên được xem như ngày lễ quan trọng của người Việt. Cũng tại thời điểm này, Bình Dương diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, bên cạnh cầu nguyện thần linh ban phúc lành đầu Xuân, người dân đến đây còn tham gia nhiều hoạt động ngày hội vô cùng náo nhiệt.

Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nơi đây do người Việt gốc Hoa xây dựng để thờ cúng vị thần Thiên Hậu Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, nữ thần này tên thật là Lâm Mạc Nương sinh vào năm 960 ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Mẹ bà mang thai 14 tháng mới hạ sinh, năm 11 tuổi bà tu theo Phật giáo, luyện tập đắc đạo và coi thiên văn trên biển giúp đỡ không ít người. Sau khi Lâm Mạc Nương mất năm 28 tuổi, bà đã nhiều lần hiển linh cứu ngư dân bình an trở về bờ, vì vậy, mỗi khi thuyền bè ngoài biển gặp nạn, người ta thường cầu nguyện nữ thần ban cho sóng yên biển lặng. Về sau người dân Phúc Kiến bắt đầu xây miếu thờ phụng vị thần họ Lâm này, vào đời nhà Nguyên bà được phong làm Thiên Phi, đến đời Thanh, vua Khang Hy phong bà làm Thiên Hậu. Và danh hiệu đó được lưu truyền mãi đến ngày nay.

 

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu: Ngày đầu xuân ở Bình Dương

Tục lệ đấu giá Thánh Đăng của Thánh Mẫu hết sức đặc sắc

 

Bà Thiên Hậu ngoài được xem như thần bảo trợ của vùng biển, còn là vị thần hộ mệnh cho những người nhập cư mới đến. Mỗi khi người Hoa sống xa quê hương đều dựng lên những ngôi chùa mang tên bà đầu tiên để tạ ơn nữ thần đã phù hộ đến nơi an toàn. Ban đầu, lễ hội chỉ được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhưng về sau do những câu chuyện linh thiêng về bà Thiên Hậu ngày một lan rộng, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận cũng đã thờ phụng vị thần này. Vì vậy, lễ hội chùa Bà Thiên hậu được tổ chức hàng năm dần trở thành lễ lớn của người dân Nam Bộ. 

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là lễ vía Bà Thiên Hậu diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng thường niên với nhiều lễ nghi, tục lệ độc đáo, nhưng nổi bật nhất phải kể đến là nghi thức rước kiệu Bà quanh các tuyến phố chính của thành phố Thủ Dầu Một. Đây là hoạt động náo nhiệt nhất của lễ hội, hình ảnh dòng người diễu hành đông nghẹt, cùng tiếng trống âm vang trên đường phố đã không còn quá xa lạ trong ký ức của những ai từng tham gia lễ vía Bà Thiên Hậu. Tại lễ rước kiệu Bà, đi đầu là 4 con Hẩu (linh vật của người Hoa) cùng 60 thanh niên mang cờ hiệu, kiếm và thanh long đao, theo sau là 30 đội múa lân, 6 đoàn xe hoa và hàng trăm thiếu nữ thắt bím, trên vai gánh hoa vải đủ màu sắc rực rỡ, tiếp đến là các đội kèn, sáo, trống,...Kiệu Bà đi giữa, trước kiệu đặt 2 án hương tỏa khói nghi ngút, tiếp đó, hàng ngàn khách thập phương diễu hành theo sau cùng. Sở dĩ, nghi lễ này thu hút nhiều du khách đến vậy nhờ vào ý nghĩa tâm linh của nó, những ky hương (cây nhang cháy dỡ trên án hương) được phát cho bá tánh xuyên suốt buổi rước kiệu đại diện cho lộc Bà ban, người nhận được ky hương coi như vạn sự như ý.

 

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu: Ngày đầu xuân ở Bình Dương

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là một trong những lễ hội lớn nhất Nam bộ

 

Ngoài ra, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu còn có tục lệ đấu giá Thánh Đăng của Thánh Mẫu hết sức đặc sắc, 9 chiếc lồng đèn được chọn làm vật phẩm đấu giá, đồng thời được xem như vật đem đến may mắn cho chủ sở hữu nó. Vì vậy, rất nhiều người muốn mua về cho công ty hoặc gia đình để cầu tài lộc và bình an, có người trả hơn 2 tỷ đồng chỉ để nhận được một chiếc Thánh Đăng. Ban tổ chức cho biết sẽ trích 70% số tiền bán được làm từ thiện, xây nhà tình thương cho người già neo đơn và mổ mắt miễn phí,... Điều này càng làm tăng thêm ý nghĩa nhân văn và tinh thần bác ái trong ngày lễ vía Bà Thiên Hậu. Dựa trên tinh thần đó, nhiều hoạt động tương tự đã diễn ra cùng thời điểm như phát cơm, trà đá, nước suối, sửa xe,...hoàn toàn miễn phí. 

Bà Thiên Hậu là một vị thần có công đức vô lượng, giàu lòng từ bi bác ái, vì thế, hàng năm lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức không chỉ để người dân thờ cúng, tưởng nhớ vị thần Thiên Hậu Thánh Mẫu, mà còn là dịp khơi gợi những giá trị đạo đức cao đẹp trong lòng mỗi người; Mặt khác, giáo dục thế hệ mai sau noi gương vị thần này sống một cuộc đời ý nghĩa. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước đến trải nghiệm những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tin: Khánh Nhã

Theo langngheviet.com.vn

Bình luận