Mừng xuân Tân Sửu 2021, chọn ngày khai bút đầu năm đẹp nhất như thế nào?
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Mừng xuân Tân Sửu 2021, chọn ngày khai bút đầu năm đẹp nhất như thế nào?
Tin Quốc Tế

Mừng xuân Tân Sửu 2021, chọn ngày khai bút đầu năm đẹp nhất như thế nào?

Là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời trong dịp Tết cổ truyền, khai bút đầu năm nhằm cầu mong sự may mắn, thành đạt trong học tập và sự nghiệp đồng thời cũng thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Xuân khai bút, bút khai hoa

Cũng như nhiều nghi lễ khác trong ngày Tết Nguyên đán, người Việt thường chọn ngày đẹp để khai bút đầu xuân với hy vọng trong năm mới, học hành tấn tới, công danh thành đạt, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, vạn sự đều đạt được như ý nguyện.

Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm khát vọng về những điều tốt lành, may mắn sẽ đến trong năm mới. Ngoài ra, qua nghi lễ tốt đẹp này, ông bà ta cũng muốn nhắc nhở con cháu nêu cao tinh thần hiếu học cũng như giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo đã có tự bao đời.

Trước đây, các văn sĩ thường chọn những câu tục ngữ, danh ngôn, câu đối mang dư vị Tết để khai bút bởi nó mang ý nghĩa trong ngày đầu xuân cũng như đem lại sự lạc quan, tinh thần phấn khởi trong dịp năm mới. Tuy nhiên, hiện nay, viết khai bút đầu xuân không còn bó hẹp trong các nội dung cũ mà đã được mở rộng hơn rất nhiều.

Theo sử sách chép lại, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An – một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.

Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng.

 

Mừng xuân Tân Sửu 2021, chọn ngày khai bút đầu năm đẹp nhất như thế nào?

Khai bút đầu năm - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

 

Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không chỉ biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, tâm trạng người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại. Sau đó, mỗi người sẽ thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Gợi ý khai bút đầu xuân Tân Sửu 2021

Ngày nay, nghi thức khai bút không nhất thiết phải tiến hành ngay thời khắc sau giao thừa mà có lựa chọn thực hiện vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 5 Tết.

Theo Dịch học, mùng 5 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (tức ngày 16/02/2021 Dương lịch) là ngày tốt, phù hợp để thực hiện việc khai bút đầu năm.

Trong ngày có nhiều khoảng thời gian để bạn có thể chọn tiến hành khai bút. Tuy nhiên đối với việc khai bút, nên chọn thời điểm ban ngày, khi trời đất sáng sủa, có ánh nắng chiếu rọi.

Theo lịch Vạn niên, giờ hoàng đạo trong ngày mùng 5 gồm giờ Mậu Dần (3h-5h), giờ Kỷ Mão (5h-7h), giờ Tân Tị (9h-11h), giờ Giáp Thân (15h-17h), giờ Bính Tuất (19h-21h), giờ Đinh Hợi (21h-23h) là những khoảng thời gian tốt đẹp để thực hiện việc khai bút đầu năm.

Nội dung được thể hiện trong nghi thức khai bút có thể qua đôi câu đối hay một vài câu thơ ngẫu hứng trong không khí háo hức chào đón tết đến xuân về, cầu mong những điều may mắn. Cũng có những người thích khai bút bằng những lời chúc đơn giản, ý nghĩa dành tặng cho bản thân, người thân trong gia đình hoặc bạn bè.

Tuy nhiên, với hy vọng khởi đầu sự may mắn, suôn sẻ, mọi việc hanh thông thì người ta thường chọn những câu thơ, câu danh ngôn để nhằm tăng thêm niềm tin, động lực phấn đấu cho bản thân trong năm mới.

Tin: Nguyễn Loan
Theo ngaymoionline.com.vn
https://ngaymoionline.com.vn/mung-xuan-tan-suu-2021-chon-ngay-khai-but-dau-nam-dep-nhat-nhu-the-nao-22018.html

Bình luận