Vài năm trở lại đây, ngoài thu nhập từ việc trồng rừng, trồng chuối xen canh dưới tán rừng… Bà con xã Khánh Thuận, huyện U Minh còn học tập, nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đem lại lợi nhuận, góp phần tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Trong đó, nổi bậc là mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Trần Bình Long, Ấp 16, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Từ nguồn nhập chính của gia đình là trồng tràm và chuối, khoảng 1 năm trở lại đây, ông Trần Bình Long mong muốn kiếm thêm nguồn thu khác trong khoảng thời gian đợi tràm và chuối thu hoạch. Qua tìm hiểu tại các địa phương khác thấy bà con nuôi thỏ đem lại thu nhập cao, ông quyết định thử nghiệm với loại vật nuôi này.
Thỏ được nuôi từng ngăn riêng biệt
Tận dụng phần đất trống gần nhà, ông Long xây chuồng với diện tích 150m2, thỏ được nuôi riêng từng cặp trong lồng bằng kẽm cách mặt đất 70cm, mỗi lồng đều có máng ăn và vòi uống nước tự động sạch sẽ. Hàng ngày ông Long cắt rau lang, cỏ trong vườn nhà cho thỏ ăn. Nhưng để tăng năng suất và thỏ đạt trọng lượng tốt ông bổ sung thêm các thức ăn từ tinh bột, đạm của heo và gà. Thỏ nuôi từ 3 – 3,5 tháng đạt trọng lượng từ 2,5 – 3kg là có thể xuất bán thỏ thịt, theo giá thị trường thỏ thịt có giá 80.000 đồng/kg. Như vậy mỗi con bán được từ 200.000- 240.000 đồng.
Ông Trần Bình Long chia sẻ thêm: “Nuôi thỏ ít tốn chi phí và công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần, thỏ tự uống nước bằng vòi, cũng ít bệnh. Chuồng phải vệ sinh sạch sẽ hàng ngày tạo độ thông thoáng thì thỏ sẽ sinh trưởng tốt, sau khi vệ sinh chuồng, có thể tận dụng phân thỏ để bón cho cây trồng. Từ ngày nuôi thỏ, trừ các chi phí mỗi tháng gia đình kiếm thêm được từ 5-7 triệu đồng có thể trang trải cho các khoản chi tiêu hàng ngày.
Thấy được mô hình nuôi có hiệu quả, ông Long còn tìm hiểu cách nhân giống, lai phối thỏ để bán thỏ giống, bình quân mỗi con thỏ giống ông bán có giá từ 100.000-120.000 đồng.
Thỏ con đang được nhân giống
Với tổng chi phí ban đầu gần 100 triệu đồng để làm chuồng, đến nay tổng đàn thỏ của ông Long đã gần 450 con các loại. Có thể thấy với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, cộng thêm đức tính siêng năng, chịu khó, tìm tòi, học học đã giúp người nông dân vùng rừng U Minh đạt được những thành công ban đầu từ mô hình nuôi thỏ. Hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng với quy mô phù hợp, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.
* Để nuôi thỏ đạt hiệu quả, bà con nông dân cần lưu ý một số bệnh thường gặp như sau:
1. Bệnh ghẻ
Đây là một trong những loại bệnh mà thỏ thường xuyên mắc phải nhất. Nếu bà con không chữa trị kịp thời thì trong quá trình chăn nuôi thỏ sẽ không phát triển tốt được, do bị ngứa ngáy thỏ phải gãi các chỗ ghẻ đó và tiêu hao nhiều năng lượng. Trong thời gian dài nếu không được chữa trị thì thỏ sẽ ăn ít đi, cơ thể bị hao mòn do thiếu chất dinh dưỡng. Nếu bị ghẻ nặng các móng chân thỏ sẽ bị bong ra, dần dần thỏ bị gầy yếu nên dễ dàng bị các bệnh khác dẫn đến thỏ bị chết.
Bệnh ghẻ thỏ do một loại ký sinh trùng gây ra, nó có thể tồn tại ở tất cả các dụng cụ chăn nuôi, trong chuồng và đáy chuồng nuôi… Vì vậy, trong quá trình chăn nuôi, bà con lưu ý khi phát hiện ra các cá thể thỏ bị bệnh ghẻ, nên tiến hành điều trị kịp thời. Sử dụng các loại thuốc điều trị nội và ngoại ký sinh trùng hiện nay được bán ở các cơ sở thuốc thú y theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Thời gian điều trị cho thỏ từ 5 – 7 ngày thì các chỗ ghẻ sẽ bị bong vảy ra và thỏ sẽ khỏe mạnh trở lại.
2. Bệnh cầu trùng
Bệnh cầu trùng thỏ có 2 chủng có thể kí sinh ở gan hoặc ở ruột. Tuy nhiên, chỉ phòng và điều trị chung một loại thuốc đặc trị cầu trùng là SEB3. Pha thuốc SEB3 vào trong nước uống hoặc trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn in trên bao bì của sản phẩm.
Thỏ đã luôn mang cầu trùng bên trong mình. Tuy nhiên, đối với thỏ trưởng thành chỉ chết khi thể cầu trùng bị quá nặng và bị thêm một số bệnh nào đó dẫn tới viêm nhiễm kế phát. Bệnh cầu trùng xảy ra nhiều nhất ở giai đoạn thỏ sau cai sữa trong khoảng thời gian 35 – 40 ngày tuổi. Sau khi cai sữa xong sức đề kháng của thỏ còn yếu nên có thể bị lây nhiễm bệnh vi khuẩn cầu trùng từ mẹ sang trong khoảng thời gian 15 ngày.
Để phòng bệnh vi khuẩn cầu trùng yếu tố đầu tiên là phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn, nước uống phải đảm bảo hợp vệ sinh bởi vì vòng đời của cầu trùng là ăn vào rồi thải ra, rồi nhiễm lại. Ấu trùng cầu trùng tồn tại trong điều kiện môi trường ẩm ướt khi trời mưa và sẽ bị dồn về chỗ trũng. Khi sử dụng các loại thức ăn như rau, củ quả cắt ở các vùng trũng hoặc bờ ruộng, đặc biệt là rau cỏ sử dụng phân tươi để bón thì tỉ lệ nhiễm cầu trùng rất lớn.
Khi thỏ con cai sữa bà con cần phải đề phòng bệnh cầu trùng kịp thời vì nó sẽ gây ảnh hướng rất lớn tới năng suất chăn nuôi. Thường xuyên theo dõi thỏ con để phòng trị bệnh kịp thời mới đảm bảo thỏ có thể khỏe mạnh trở lại, nếu bệnh cầu trùng bị quá nặng sẽ không thể chữa trị.
Sau khi thỏ con tách ra khỏi thỏ mẹ thì bà con có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh cho thỏ uống để phòng bệnh cầu trùng.
Bệnh bại huyết
Đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại vi rút gây ra, có tính lây lan rất nhanh và rộng. Trong môi trường nhiễm bệnh mà điều kiện vệ sinh nuôi dưỡng kém sẽ làm cho bệnh bùng phát rất nhanh, rộng và gây chết thỏ hàng loạt. Bệnh chủ yếu xảy ra ở thỏ lớn, từ 1,5 tháng tuổi trở lên.
Triệu chứng lâm sàng: Thỏ vẫn ăn uống bình thường. Đôi khi thỏ lờ đờ. Bỏ ăn trong thời gian ngắn rồi chết hàng loạt. Trước khi chết thỏ giãy giụa, quay vòng, máu ọc ra ở mồm, mũi, gan sưng to, bở, vành tim, phổi, khí quản xuất huyết.
Bệnh bại huyết thỏ việc chữa trị hầu như chưa có hiệu quả mà chủ yếu là cách phòng bệnh cho thỏ.
Phòng bệnh cho thỏ bằng cách tiêm phòng vắcxin VHD bại huyết với liều lượng 1ml/con, định kỳ 6 – 8 tháng/lần.
Cùng với việc tiêm phòng cần phải thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại để tránh sự tồn tại và xâm nhập của mầm bệnh.
Bệnh đau bụng ỉa chảy
Nguyên nhân của loại bệnh này là do thỏ bị rối loạn tiêu hóa do chuyển tiếp thức ăn đột ngột, thức ăn, nước uống bị dính tạp chất bẩn như dính nước mưa, nước hồ ao bẩn, uống nước lạnh hoặc thỏ nằm trên đáy lồng cao bị gió lạnh lùa vào bụng…
Thỏ sau khi cai sữa 1 tuần đến khi được 3 tháng rất hay bị mắc bệnh này.
Dấu hiệu của bệnh: Phân thỏ lúc đầu hơi nhão sau đó lỏng dần thấm dính bết lông quanh hậu môn. Thỏ kém ăn, lờ đờ. Uống nước nhiều, gầy yếu dần rồi chết.
Trị bệnh: Cần ngưng ngay các loại thức ăn nước uống hoặc yếu tố gây mất vệ sinh. Cho thỏ uống ngay nước chiết suất đặc của cây nhọ nồi, búp chè, búp lá ổi, cỏ sữa… Cho thỏ uống Colinorgen hoặc Sulfaganidin với liều lượng 0,1g/kg thể trọng với thời gian 3 ngày liền.
Bệnh viêm mũi
Xoang mũi của thỏ có rất nhiều vách ngăn phức tạp, trong đó thường chứa đọng các vi khuẩn tiềm sinh và bụi bặm. Nếu thỏ bị tác động của môi trường không khí ngột ngạt, thay đổi thời tiết đột ngột, gió lùa mạnh, ẩm thấp, vận chuyển đường dài, thỏ mệt nhọc thì bệnh viêm mũi phát ra đôi khi kết hợp với bệnh khác như tụ huyết trùng, tụ cầu trùng thì bệnh sẽ trở nên nặng và phức tạp hơn.
Dấu hiệu: Thỏ bị viêm mũi sẽ hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở và thở có tiếng ran sau đó có dịch mủ chảy ra và sốt. Thỏ thường lấy 2 chân trước dụi mũi nên lông phía trong 2 bàn chân trước bị rối, dính bết lại.
Phòng bệnh: Biện pháp chủ yếu là tạo nên môi trường vệ sinh phù hợp, đặc biệt khi vận chuyển thỏ đi xa cần tránh mưa, nắng, gió lùa mạnh, lồng vận chuyển phải có vách ngăn, có đồ lót khô, sạch, không nhốt quá chặt để thỏ đè lên nhau.
Trị bệnh: Khi thỏ mới bị viêm mũi cần phải thay đổi môi trường hợp vệ sinh. Dùng các loại thuốc như Chloramphenicol, Streptomycin, Kanamycin để nhỏ vào hai lỗ mũi thỏ với liều lượng nhỏ hai lần mỗi ngày cho đến khi thỏ khỏi bệnh.
Nếu thỏ bị bệnh viêm mũi nặng cần tiêm thêm cho thỏ Streptomycin liều lượng 0,1g/kg thể trọng hoặc tiêm Kanamycin với liều 0,05g/kg thể trọng trong thời gian 3 ngày liền.
Bài, ảnh: Lê Hồng Thoại
Theo langngheviet.com.vn
https://langngheviet.com.vn/khuyen-nong/nang-cao-thu-nhap-tu-mo-hinh-nuoi-tho.html32777
Bình luận