Nghệ nhân kim hoàn Trần Hải trăn trở với nghề
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Nghệ nhân kim hoàn Trần Hải trăn trở với nghề
Tin Quốc Tế

Nghệ nhân kim hoàn Trần Hải trăn trở với nghề

Nghệ nhân Trần Hải (quận 6, TP Hồ Chí Minh) từng đoạt nhiều huy chương về thiết kế mẫu trong những hội thi và triển lãm về nữ trang. Tuy nhiên, trước xu hướng hiện đại công nghệ, ngành nghề có nguy cơ bị mai một, ông luôn đau đáu, trăn trở để lưu giữ nghề truyền thống này.

Ông Hải luôn mong muốn có cơ hội để các nghệ nhân như ông giới thiệu nghề tới giới trẻ. Đó là ước mơ của ông và những nghệ nhân khác, nhưng không phải làm để kiếm tiền mà là truyền nghề miễn phí. 

Theo ông Hải thì, một tác phẩm kim hoàn truyền thống để tham gia hội chợ trong nước làm nhanh nhất trong vòng 2 tháng, còn để đi quốc tế phải mất 4 năm. Thời đại bây giờ là công nghiệp kim hoàn, ở đó nó chịu sự tác động của thiết bị hơn là yếu tố con người. Giữa yếu tố thời đại, thời đại của khoa học và công nghệ và yếu tố truyền thống, làm sao để kết hợp được hai yếu tố  đó, làm sao để giới trẻ hiểu được đâu là giá trị truyền thống, đâu là giá trị hiện đại?

Nghệ nhân kim hoàn Trần Hải trăn trở với nghề

 

Thêm một trăn trở nữa ở Việt Nam hiện nay không có một trường lớp nào chuyên về đạo tạo thời trang kim hoàn. Điều này tạo nên sự hạn chế để giới trẻ biết tới nghề kim hoàn, trường lớp chỉ đào tạo những thợ vẽ, lên mạng sao chép các mẫu thiết kế rồi chỉnh sửa, có nhiều tác phẩm hiện nay còn làm sai như kiểu “con rồng thời Lý có răng, nhưng thực chất không có”. Do đó không có cơ sở để tạo ra được những mặt hàng đặc trưng, không tạo được dấu ấn để người nước ngoài nhìn vào biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Ông cho rằng giới trẻ bây giờ học nghề còn “thực dụng”, sinh viên học để đối phó, giảng viên dạy đúng giờ ra về để làm chuyện khác. Khúc mắc ở chỗ, nghệ nhân đa số xuất thân là những người nghèo không có tiền để làm ra một sản phẩm độc đáo, chế độ đãi ngộ không có, không tận dụng được tay nghề của họ, gây lãng phí nguồn lực…

 

Nghệ nhân kim hoàn Trần Hải trăn trở với nghề

 

Hiện nay mặt hàng kim hoàn cũng như những mặt hàng khác của Việt Nam tự thua trên sân nhà, sản xuất ra các mặt hàng chủ yếu bằng dây chuyền công nghệ nên giá rẻ, tâm lý người mua thấy đẹp rẻ thì mua. Ông so sánh thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước “người nước ngoài mua theo cảm tính, người Việt mua theo giới tính, người nước ngoài khi mua tính luôn tiền công và sức nghệ nhân làm ra sản phẩm đó, còn người Việt thì không”.

Sau một hồi kể vài kỉ niệm vui thời còn đi dạy ở trường Đại học Tôn Đức Thắng ông lại trăn trở và tự  cảm thấy tuổi mình đã gần đất xa trời, nên tâm tư  muốn có trường lớp đào tạo bài bản cấp phép hẳn hỏi, không đào tạo theo lối công nghiệp, mì ăn liền, nếu đào tạo theo lối công nghiệp phải tạo ra những sản phẩm độc đáo mang bản sắc Việt Nam. Không nên đào tạo theo khung thời gian cố định vì có người học chậm, người học nhanh, mà học nghề là phải làm được.

Nghệ nhân kim hoàn Trần Hải trăn trở với nghề

 

Lực lượng kế thừa không có, mỗi năm hầu như không có các cuộc thi cho ngành kim hoàn, thiếu sân chơi cho ngành, cơ chế Nhà nước còn nhiều hạn chế là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nghề kim hoàn.

Những trăn trở của ông là kinh nghiệm đúc kết của cả một đời người làm nghề kim hoàn, trong đó còn chứa cả những tâm tư, tình cảm và lòng yêu nghề tha thiết. Ghi nhận tất cả những đóng góp của ông, năm 2017 ông được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực kim hoàn do đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Ông đã đạt được những thành tích tiêu biểu như đào tạo được hơn 100 thợ kim hoàn làm nghề đang hoạt động trong lĩnh vực này; có ít nhất 5 tác phẩm, sản phẩm đạt Huy chương Vàng tại các hội chợ, triển lãm.

Tin, ảnh: Minh Nghĩa

Theo dangcongsan.vn

Bình luận