Ngày Tết đang đến gần trên khắp cả nước, muôn nơi đều rộn ràng, náo nhiệt, nhưng riêng ở làng nghề lư đồng An Hội (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) dường như không tồn tại bầu không khí nhộn nhịp ấy. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, những người thợ kiên trì theo đuổi nghề truyền thống đã gặp không ít khó khăn nhưng vẫn chưa từng có ý định từ bỏ.
Ít ai biết rằng, giữa phố thị ồn ào, tấp nập lại tồn tại một làng nghề truyền thống nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Huy Cung (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), mang tên làng lư đồng An Hội. Trong bầu không khí se se lạnh của những ngày cuối đông, cũng trên con đường này tôi dường như bị thu hút bởi những chiếc lư đồng được chạm trổ tinh tế của cơ sở sản xuất Hai Thắng. Tại đây, ông Trần Quốc Thái (45 tuổi) – Chủ cơ sở cho biết, gia đình ông 3 đời theo nghề truyền thống, riêng ông đã làm lư đồng hơn 20 năm.
Ông Trần Quốc Thái là thế hệ thứ hai theo nghề truyền thống
Theo lời ông Thái, nghề này có nguồn gốc từ Trung Hoa, được người dân Hà Nội tiếp nhận, phát triển sao cho phù hợp với văn hóa nước nhà và tiếp tục lan rộng đến một số vùng miền khác trên khắp cả nước. Sau khi lên Chợ quán, Phú Lâm học nghề, ông Trần Văn Kỉnh (hay còn gọi là ông Năm Kỉnh) đã đem kiến thức về truyền dạy cho anh em, bà con lối xóm và từ đó sáng lập ra làng nghề lư đồng An Hội như hiện tại. Các sản phẩm ở đây vô cùng đa dạng với nhiều hoa văn sắc sảo và tinh tế, đặc biệt màu đồng bóng loáng đã giúp lư An Hội có phần nổi trội hơn so với những nơi khác.
Cơ sở sản xuất lư đồng Hai Thắng nép mình trong một con hẻm nhỏ
Lúc mới thành lập, làng có đến 20 hộ dân theo nghề truyền thống nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng mỗi dịp cuối năm. Với hàng trăm đơn đặt hàng số lượng lớn theo từng tháng, làng nghề lư đồng An Hội trong những ngày này dường như hoạt động hết công suất, các lò nung đỏ lửa ngày đêm. Trong không khí tất bật, rộn rã tiếng nói cười của khách hàng và các người thợ hòa vào nhau như báo hiệu một mùa xuân ấm no sắp tới.
Một góc trưng bày tại cơ sở sản xuất lư đồng Hai Thắng
Nói đến đây, ông Thái trầm ngâm giây lát rồi ngậm ngùi chia sẻ: “Ngày xưa, đông là vậy nhưng sau này người ta chịu đựng không nổi nên bỏ nghề, giờ đây chỉ còn lại 5 hộ trụ được”. Khi được hỏi về nguyên nhân, ông cho biết, người theo nghề này vô cùng vất vả, phải những ai thật sự yêu nghề, cần cù, chịu khó mới kiên trì được. Bên cạnh đó, những năm gần đây giá đồng leo thang, lại chẳng thể tăng giá lư lên khiến lợi nhuận ngày càng ít ỏi, cuộc sống của những người theo nghề cũng gặp không ít bấp bênh. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, tình hình kinh tế hạn hẹp khiến nhiều gia đình không đủ điều kiện sắm sửa lư đồng mới như mọi năm. Nếu trước kia một cơ sở có thể sản xuất hơn 300 bộ lư mỗi tháng thì ngày nay con số đó đã giảm đi quá nửa, đôi khi không thể vượt qua 100 bộ. Đơn hàng ngày một giảm khiến bầu không khí ngày Tết ở làng nghề lư đồng An Hội chẳng còn nhộn nhịp như xưa.
Dù đối mặt trước bao nhiêu khó khăn, thách thức, nhưng những người đã gắn bó với nghề truyền thống nhiều năm như ông Thái vẫn vô cùng lạc quan và kiên trì với mục tiêu ban đầu. Ông khẳng định:“Có khó cỡ nào cũng không bỏ cuộc, bữa nào đắt thì ăn cơm thịt cá, bữa nào ế thì ăn cơm với chao, vì yêu nghề mình chịu khổ, cố gắng mỗi ngày rồi cũng vượt qua”. Đứng trước tình cảnh nghề truyền thống đang dần mai một, ông Trần Quốc Thái vẫn luôn tự nhủ với lòng sẽ tiếp tục hành trình giữ lửa và truyền nghề cho các thế hệ sau, để đời con, đời cháu của ông càng thêm trân quý và kiên trì với nghề cha ông để lại.
Làng nghề lư đồng An Hội dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố, nhưng vẫn luôn tồn tại những người thợ yêu nghề, cần cù, chịu khó như ông Thái. Chính sự lạc quan và trái tim nhiệt huyết của ông sẽ trở thành nguồn động lực cho các thế hệ trẻ tiếp bước, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống trong tương lai, để những mùa xuân sau các cơ sở sản xuất lư đồng An Hội lại quay về bầu không khí náo nhiệt, rộn ràng như thuở nào.
Bình luận