Nghệ sĩ Đức Dậu: Người lưu giữ tinh hoa nhạc cụ dân tộc
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Nghệ sĩ Đức Dậu: Người lưu giữ tinh hoa nhạc cụ dân tộc
Tin Quốc Tế

Nghệ sĩ Đức Dậu: Người lưu giữ tinh hoa nhạc cụ dân tộc

Nghệ sĩ Đức Dậu là một trong số ít những nghệ sĩ hiếm hoi kiên trì với sứ mệnh gìn giữ nhạc cụ dân tộc. Suốt hơn 40 năm theo nghề, ông đã đạt được Huy chương Vàng Quốc gia về Độc tấu Bộ gõ “Trống trận Quang Trung”, 2 Huy chương Bạc về sáo Hmông và đàn Bầu, đồng thời được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (năm 2015).
Nghệ sĩ Đức Dậu dành trọn cuộc đời để nuôi dưỡng niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc 
Nghệ sĩ Đức Dậu tên thật là Trần Trọng Dậu (sinh năm 1967) sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản có tiếng ở Phố Huế, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Ban đầu gia đình có ý định cho ông theo học bác sĩ, nhưng chỉ sau một lần rung động trước âm thanh da diết, nỉ non của tiếng đàn Bầu, niềm say mê bất tận với nhạc cụ dân tộc trong người nghệ sĩ được đánh thức. Chính điều này đã dẫn lối ông quyết tâm theo đuổi âm nhạc truyền thống.

Trong căn phòng trưng bày nhiều loại nhạc cụ của 54 dân tộc (đàn T’ Rưng, đàn Chapi, Pơ - rố, Pơ – rố Pac, Tù Và Cóc, trống H’Gơ,...), nghệ sĩ Đức Dậu đưa mắt nhìn một lượt xung quanh rồi chân thành chia sẻ: “Sau một thời gian biểu diễn tại Đoàn ca múa của Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, năm 1980 tôi và 6 anh em trong gia đình quyết định thành lập Đoàn nhạc gõ Phù Đổng. Sự nghiệp sưu tầm nhạc cụ của tôi bắt đầu từ khi quyết định vào Sài Gòn cùng nhóm nhạc gõ (1986). Cứ học được nhạc khí nào tôi lại tìm cách sưu tập nhạc cụ đó. Tôi học sáo Mèo (H’Mông) từ nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh (vua sáo Mèo của đoàn ca múa Lào Cai), học đàn Goong và T’rưng từ nghệ sĩ Thảo Giang thuộc Đoàn ca múa Đam San...” 
Trống H’Gơ
Đàn T’Rưng 
Tù Và Cóc
Một góc trong bảo tàng nhạc cụ tại nhà của nghệ sĩ Đức Dậu 
Đoàn nhạc gõ Phù Đổng đã được thành lập hơn 40 năm, không chỉ trình diễn trong nước mà còn nhiều lần sang các quốc gia khác biểu diễn như: Mỹ, Singapore, Đài Loan, Đức, Pháp, Thụy Sĩ,.. với nguyện vọng có thể truyền đạt khí phách hào hùng của một quốc gia không chịu khuất phục trước quân thù; những giá trị tâm linh, quốc hồn, quốc túy ẩn chứa bên trong mỗi một nhạc khí của dân tộc Việt Nam đến với người nghe trên khắp thế giới. 

Đến nay, bộ sưu tập đồ sộ của nghệ sĩ Đức Dậu đã được mở rộng lên tới 200 nhạc cụ dân tộc và gần 2000 hiện vật như Tù Và Ngà voi, Tù Và đá, trống Cheng (Tây Bắc), đàn Pơ – rố (Tây Nguyên), dàn chiêng tre 13 thanh (Tây Nguyên),... và nhiều nhạc cụ khác đến từ khắp các vùng miền trên cả nước.

Tuy nhiên, trên hành trình theo đuổi âm nhạc dân tộc, nghệ sĩ Đức Dậu đã phải trải qua không ít khó khăn, nhờ có gia đình là hậu phương vững chắc, đã luôn động viên và ủng hộ, ông mới có thể vững bước và kiên trì thực hiện đam mê của mình đến ngày hôm nay. Quyết tâm mãnh liệt của nghệ sĩ đã truyền cảm hứng cho vợ và con trở thành những nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc, đồng hành cùng ông trên con đường gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. So với những gánh nặng về tài chính, việc thấu hiểu và đánh thức những giá trị thiêng liêng ẩn đằng sau mỗi một nhạc khí còn khó khăn hơn gấp bội, nghệ nhân ưu tú Đức Dậu nhấn mạnh: “Nếu tri thức được tiếp thu bằng trí não thì âm nhạc phải được cảm thụ bằng cả trái tim. Nhạc cụ của 54 dân tộc tuy ghồ ghề, đơn sơ, mộc mạc nhưng lại là điểm tựa cho những giá trị tiềm thức của con người. Nhạc khí của Việt Nam nói lên được linh khí của một dân tộc, không có dân tộc nào ngoài Việt Nam chịu ách thống trị 1000 năm đô hộ và bị chà đạp như thế lại vươn mình đến ngày hôm nay; Từ đó, tạo nên những di sản văn hóa hết sức thiêng liêng và giàu tính nhân văn.”
Gia đình là điểm tựa vững chắc, luôn động viên và ủng hộ nghệ sĩ Đức Dậu theo đuổi niềm đam mê nhạc cụ dân tộc 
Khi nhắc đến đại lễ 30/4 sắp tới, nghệ sĩ Đức Dậu cho biết trong ngày này ông thường chọn biểu diễn những khúc ca hào hùng như “Trống trận Quang Trung” hay nhạc phẩm quê hương qua tiếng đàn Bầu da diết và âm thanh cồng chiêng vang vọng núi rừng. Thông qua nhạc cụ dân tộc, từng tác phẩm được tấu lên khẳng định hồn thiêng sông núi, bờ cõi nước nhà và hào khí ngút trời sẵn sàng chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta, đồng thời đánh lên giai điệu mừng chiến thắng trong ngày trọng đại của đất nước.

Trước nhịp sống vội vã của giới trẻ, nghệ sĩ Đức Dậu vẫn luôn lo sợ, trăn trở liệu những giá trị truyền thống có dần bị lãng quên. Vì vậy, nghệ nhân ưu tú nhắn nhủ thế hệ tương lai phải làm thế nào để yêu con người Việt Nam, muốn như vậy phải trân trọng văn hóa, truyền thống, đừng cứ mãi nhìn về phía trước, đôi khi cần quay đầu gìn giữ những giá trị cha ông để lại.

Hiện nay, tại tư gia của nghệ sĩ Đức Dậu (số 62/45 Phạm Huy Thông, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) có trưng bày nhạc cụ của 54 dân tộc được nghệ nhân dành nửa đời người để tìm tòi, khám phá và sưu tầm. Đây sẽ là nơi để mọi người nhất là bạn trẻ đến trải nghiệm, thưởng thức các giai điệu truyền thống và nghe nghệ nhân chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị.
Tin, ảnh: Nhật Vỹ
Theo langngheviet.com.vn

Bình luận