Người chiến sĩ thầm lặng
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Người chiến sĩ thầm lặng
Tin Quốc Tế

Người chiến sĩ thầm lặng

Trong thời chiến, người chiến sĩ ấy thầm lặng góp phần vào những chiến công, dấu mốc quan trọng, tô điểm hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Đến thời bình, ông Phạm Văn Kề tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp xây dựng đất nước, giữ vững vẻ đẹp bộ đội cụ Hồ, hết lòng vì đồng đội và nhân dân.

Niềm tự hào của người chiến sĩ 

Trung tá Phạm Văn Kề (còn gọi là Sáu Kề, sinh năm 1939, quê Quảng Ngãi), bí danh Hùng Linh. Ông nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 3 Z32 Lữ đoàn 316. Hiện tại là Sĩ quan thường trực, Ban liên lạc Cựu chiến binh của Lữ đoàn 316, Đặc công biệt động – Bộ tham mưu Miền B2.

Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM), ở tuổi 82, ông Kề vẫn với vẻ ngoài bình dị, hào sảng đậm chất người lính, nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời người chiến sĩ, về những ngày tháng chiến đấu giành độc lập cũng như ngày tháng xây dựng đất nước khi hoà bình lập lại. Có khó khăn, gian khổ lẫn nước mắt và cả xương máu nhưng tất cả đều là một niềm tự hào to lớn của người chiến sĩ!

Thuở nhỏ theo học tại trường Lê Khiết (thuộc Liên khu 5, tỉnh Quảng Ngãi), ông Kề đã sớm ý thức được trách nhiệm của bản thân nên cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ để học tập thật tốt, góp sức phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đến năm 1954, trường giải tán để tập kết ra Bắc nhưng do mẹ bị bệnh nên ông phải ở lại chăm sóc mẹ.
 
Ông Sáu Kề xem lại ghi chép về hình ảnh của những đồng đội cũ

Tháng 1/1955, khi mới 16 tuổi, ông Sáu Kề tham gia lực lượng Thanh niên Trung kiên do Phòng Quân báo huyện Đức Phổ tổ chức, để đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Khi đó lực lượng có 20 anh em, ông là một trong 03 lãnh đạo. Đến năm 1957, lực lượng bị phát hiện nên ông Kề nhanh chóng điều lấn vào miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Năm 1957 – 1960, ông công tác tại Thị uỷ Gia Định, bắt đầu từ nhiệm vụ giao liên sau đó là Tổ trưởng vũ trang tuyên truyền. Ở đây, ông được giao làm công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng và bảo vệ cho ban cán sự cánh H159/Y4 Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định. Đến năm 1960, nhập ngũ vào Đội biệt động 159/T4 thuộc cánh H159/Y4 Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định. Năm 1965, ông chuyển công tác về ở đội 4 F100 Biệt động quân khu Sài Gòn- Gia Định.

Trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, ông đã đưa đón các chiến đấu viên của Đội 4 vào nội ém quân tại tổ 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm an toàn để chuẩn bị đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Trên đường về hậu cứ chuẩn bị tiếp tế hậu cần cho đơn vị thì ông bị địch bắt đưa về Ban 2 yếu khu, thị xã Gia Định tra tấn đánh đập. Suốt 03 ngày chúng không khai thác được gì, phải chuyển ông qua cảnh sát ty đặc cảnh miền Đông giam giữ tại bốt hàng keo Gia Định. Suốt 08 tháng, sự tra tấn rất dã man khiến ông chết đi sống lại nhưng với ý chí kiên định cùng lý tưởng cách mạng luôn rực sáng trong tim ông nhất quyết không khai báo nửa lời. Biết ông chưa bị lộ nên phía lãnh đạo đã bố trí người mang 400.000 đồng tiền nguỵ tương đương 70 lượng vàng để lo lót rút ông ra. Từ tháng 10/1968, ông trở về đơn vị biệt động hoạt động.

Trung tá Phạm Văn Kề, Sĩ quan thường trực, Ban liên lạc Cựu chiến binh của Lữ đoàn 316, Đặc công biệt động – Bộ tham mưu Miền (B2). 
Đến năm 1974, ông Kề đảm nhiệm chức vụ đại đội trưởng đại đội 3 Z32 thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, đóng quân ở xã Kiến An (nay là xã An Lập, huyện Dầu Tiếng), do yêu cầu cần có lực lượng Nội thành nên Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 316 điều ông vào nội thành để xây dựng Đội biệt động Nội thành. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ đi vẽ bản đồ thành 61 Cổ Loa- căn cứ pháo binh nguỵ và ông đã tham gia tác chiến trong đội hình của Z32 đánh chiếm thành 61 Cổ Loa. Chiều ngày 28/4/1975, đơn vị tập kết tại xã An Phú Đông, đơn vị bí mật vận hành áp sát mục tiêu, đến 11 giờ đêm tiến đánh thành 61 Cổ Loa. Sáng ngày 30/4/1975 đơn vị chiếm được thành cổ. 

Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 8/1975 ông Kề chuyển về công tác tại quận Phú Nhuận củng cố chính quyền đoàn thể và xây dựng, phát triển sau chiến tranh. Đến năm 1990, ông về nghỉ hưu.  

Miệt mài phụng sự đất nước

Những ngày chiến đấu gian khổ đã qua đi, nhưng tâm nguyện lớn nhất của người cựu chiến binh Kề là lo lắng chu toàn, giải quyết chính sách, chế độ công tác cho những anh em, đồng đội và gia đình liệt sĩ. Nói đến đây, giọng ông bỗng trầm buồn: “Thời điểm năm 1960, tôi cùng đồng đội của mình gồm 5 anh em đã từng thề với nhau thà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực. Thế nhưng 4 người anh em đều hi sinh chỉ còn một mình tôi!.Chính vì thế mà tôi quyết tâm phải lo cho các anh em, các gia đình liệt sĩ…” 

Cuộc sống ở tuổi 82 của ông Phạm Văn Kề là cùng mọi người trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp để giúp đỡ đồng chí, đồng đội, các gia đình chính sách và hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, có những hôm phải di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Tp Cần Thơ,… để thực hiện những chính sách, quyền lợi cho anh em đồng đội, đường sá xa xôi, vất vả nhưng ông không quản mệt nhọc mà luôn vui vẻ đi làm “nhiệm vụ”. 

Thời chiến, ông đi chiến đấu biền biệt, vợ ông một mình nuôi con, chờ chồng hoàn thành sứ mệnh cách mạng trở về. Nay thời bình, ông tiếp tục công việc phụng sự đất nước, thực hiện những tâm nguyện của cuộc đời là giúp đỡ thân nhân những của những đồng đội đã ngã xuống, giúp đỡ nhân dân và gia đình vẫn tạo điều kiện để ông thực hiện tâm nguyện cao cả ấy. 

Ở tuổi xế chiều này nhưng tâm trí ông vẫn còn rất minh mẫn, từng hình ảnh về anh em, đồng đội, từng khoảnh khắc về sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ của những người đã ngã xuống, hay cảnh mưa bom lửa đạn vẫn còn lưu giữ trong ký ức của ông… Đó cũng là những ký ức mà ông không thể nào quên!

Mấy mươi năm hoà bình là bấy nhiêu năm ông làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ, dốc hết sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Cởi bộ quân phục đầy huy chương trên ngực áo, ông Kề giọng dạc nói: “Tôi phấn đấu rèn luyện để giữ được phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ. Là người chiến sĩ cùng đồng đội đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, từng đổ bao mồ hôi, xương máu ở chiến trường nên phải giữ gìn bản thân mình. Mình may mắn còn sống để trở về với gia đình, được làm việc và cống hiến. Nay tuổi cao, nhưng với khả năng mình, tôi sẽ tiếp tục làm những việc có ích để làm gương cho con em, giúp chúng trở thành người có ích, góp sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…, tránh xa những thói hư, tật xấu để không bị sa ngã, mua chuộc… "

Năm nay, tuổi đã ngoài 80 nhưng ông chưa có ý định nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già mà vẫn  tiếp tục làm việc, nhằm giữ vững tinh thần của anh em, cán bộ hội viên trong ban liên lạc Cựu chiến binh Lữ đoàn 316. Với ông, còn sức khỏe thì ông vẫn còn làm việc, tham gia công tác xã hội, vận động quyên góp… vừa để vui tuổi già và góp ích cho đời.
Tin, ảnh: Nguyễn Quỳnh
Theo langngheviet.com.vn

Bình luận