Hơn 40 năm trước, mang theo nhiều hoài bão, ông Vũ Kim Lộc (SN 1957) từ Hưng Yên vào Sài Gòn lập nghiệp. Vốn là một thợ kim hoàn, nhưng với niềm say mê phục chế các chi tiết bằng vàng, bạc trên mũ mão cổ, ông đã “bén duyên” với công việc phục chế mũ vua chúa xưa.
Vào năm 2008, sau khi phục hồi thành công chiếc mũ bằng vàng của dân tộc Chăm (niên đại thế kỷ VII), ông Vũ Kim Lộc hân hạnh gặp TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM lúc bấy giờ. Sau cuộc trò chuyện, ông Lộc nhận lời hợp tác phục chế lại các mũ của vua triều Nguyễn. Nhằm phục vụ cho quá trình phục chế, ông được cử ra Hà Nội, tiến hành khảo sát hiện vật là bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Để hoàn thành tốt công việc vinh dự ấy, ông đã mời nghệ nhân kim hoàn Trần Ngọc Trí - người từng cộng tác nhiều năm ở cửa hàng kinh doanh vàng bạc và đồng nghiệp là ông Lê Văn Tuấn đến hỗ trợ.
Ông Vũ Kim Lộc và chiếc mũ Xuân Thu thời Chúa Nguyễn
Theo chia sẻ, lúc bắt đầu tiếp cận bốn chiếc mũ vua ông Lộc đã vô cùng ngỡ ngàng và xúc động. Bốn mũ được niêm phong trong hai túi lớn đựng đầy vàng vụn, tất cả các loại hình trang trí bằng vàng, đá quý trên mũ đều bị tháo rời và vo cuộn lại, có chi tiết còn bị gãy nát và chứa nhiều chất thải của loài mối, đặc biệt là không có cốt mũ (phần khung làm chỗ dựa bên trong cho những phần khác, tạo nên sự vững chắc toàn khối cho mũ). Kết quả sau khi khảo sát, túi thứ nhất là mũ “Thiết Đại triều” (mũ Cửu Long Thông Thiên), giả định thuộc về các vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại với hơn 700 chi tiết; Túi thứ hai có ba mũ, gồm hai mũ “Thiết Đại triều”, và một mũ “Tế Giao” được cho là của vua Minh Mạng, tất cả khoảng 1.400 chi tiết.
Có thể thấy, sự kiện phục chế bốn mũ vua này có giá trị đặc biệt đối với lịch sử văn hóa Việt Nam, vì vậy chú Lộc đã phải bỏ ra nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu tài liệu và đặc biệt trực tiếp đi điền dã ở các di tích. Đồng thời, khảo sát thêm các loại mũ miện một số thời kỳ: Mũ thờ của thời Lê, Nguyễn; các loại mũ ở tượng thờ vua Lê, chúa Trịnh…để nguồn tư liệu thêm phong phú và chính xác hơn.
Sau một năm làm việc vất vả trong sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng khoa học cấp bộ do GS Lưu Trần Tiêu và TS Phạm Quốc Quân đứng đầu, việc phục chế bốn mũ vua của triều Nguyễn đã hoàn thành mỹ mãn và được Hội đồng khoa học Bộ Văn hóa - Truyền thông – Du lịch và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nghiệm thu đánh giá rất cao.
Tiếp nối thành công, ông Vũ Kim Lộc tiến hành phục hồi thêm mũ của các quan văn, quan võ xưa như: mũ Hổ đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu, mũ phốc vuông của Đô Thống chế Lê Văn Phong, mũ Xuân Thu thời Chúa Nguyễn,…góp phần làm phong phú hơn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Đến nay, ở cái tuổi ngoài sáu mươi, ông Lộc hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu về mũ mão xưa, nhằm nâng cao kiến thức cho việc phục dựng thêm nhiều cổ vật khác. Với ông, không chỉ đơn thuần xuất phát từ đam mê, mà công việc này còn mang nhiều ý nghĩa. Vì khi mũ mão xưa được phục dựng hoàn chỉnh, những nét đẹp của mỹ thuật và nghệ thuật cung đình cũng khôi phục, thì văn hóa dân tộc Việt như một lần nữa được tô vẽ thêm đậm nét. Từ đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp cận gần và chân thật với các cổ vật, có thêm nhiều hiểu biết về đời sống văn hóa trong cung đình xưa, đưa họ đến gần hơn với lịch sử cha ông. Đồng thời, cổ vật sau phục chế còn là nguồn tư liệu dồi dào, có tính chính xác cao, giúp các nhà làm phim lịch sử tái hiện lại những giai đoạn “vàng son” của lịch sử một cách chân thực nhất đến với khán giả.
Mặc dù luôn nhiệt huyết với công việc, ông Vũ Kim Lộc vẫn còn nhiều trăn trở, suy tư. Khi hiện nay, thế hệ trẻ đang rộ lên phong trào phục dựng “Cổ phục”, và sử dụng rộng rãi áo dài ngũ thân, áo Nhật Bình,… nhưng mũ mão ngày xưa lại chưa thể thực hiện, vì những khó khăn trong công tác phục chế. Theo đó, mũ ngày xưa (mũ mã vĩ) là mũ có nguyên liệu chính từ lông đuôi ngựa, được người thợ thủ công kết hợp với các chất liệu khác để thêu tạo thành mũ, phục vụ cho vua, quan. Đến nay, nghề làm mũ mã vĩ dường như đã thất truyền, chỉ còn mỗi ông Vũ Kim Lộc là người duy nhất biết cách thực hiện quy trình này. Đây vừa là động lực và cũng là áp lực để chú luôn tỉ mỉ với công việc phục chế các mũ mão cổ của mình, trả về vẹn nguyên dáng hình khi xưa của cổ vật.
Hiện tại, ông Lộc đang hoàn thành cuốn sách “Mũ miện của triều Nguyễn” với ba chương: Chương I “Khảo về mũ miện của triều Nguyễn”; Chương II “Mũ mã vĩ và nghề làm mũ mã vĩ ở Việt Nam”; Chương III “Phục dựng lại một số mũ của quan lại triều Nguyễn”. Theo đó, sách có đầy đủ nội dung về nghiên cứu, phục chế mũ miện, và những trải nghiệm thực tế của chú trong quá trình làm việc. Đặc biệt, sách còn hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật đan kết thân mũ bằng lông đuôi ngựa cho những ai có đam mê và yêu thích với việc phục dựng này.
Phục chế mũ mão cổ là một công việc mang nhiều ý nghĩa nhân văn, mong rằng với nhiệt huyết của mình, chú Vũ Kim Lộc luôn khỏe mạnh để tiếp tục lan tỏa niềm đam mê đến nhiều người chung chí hướng, cùng nhau đồng hành trên con đường phục hồi, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Bình luận