Từ những sợi tre thô mộc, qua nước, lửa rộn ràng, các nghệ phẩm Trúc chỉ mang tâm tư của tình bạn gửi đến người bạn, của tiếng lòng sâu thẳm tự thân, của nghệ thuật với nghệ thuật, của phép cộng và sự trở về, của lũy tre làng quê hương... đã tạo ra những tuyệt phẩm nghệ thuật theo người ra biển lớn...
Tác phẩm nghệ thuật Trúc chỉ chuẩn bị đưa ra trưng bày
Trúc chỉ - danh xưng do học giả Bửu Ý nghĩ ra, dịch ra là giấy tre. Nhưng Trúc chỉ không đơn thuần là giấy. Ngoài sản phẩm giấy làm từ bột tre theo kiểu thủ công dùng để viết, vẽ, in… như giấy thông thường, “Trúc chỉ” dùng để chỉ thành phẩm có thể được sử dụng ngay như tranh mà chưa cần vẽ màu lên. Họa sĩ dùng nước thay bút để tạo hình khi tờ giấy ướt còn nằm trên khung seo, để khi khô có ngay bức tranh. Thành phẩm có thể dùng để làm đồ nội thất, trang trí hoặc có thể được tiếp tục vẽ màu thành tranh.
Người sáng chế ra Trúc chỉ và lối vẽ trên bột giấy ướt là họa sĩ Phan Hải Bằng - Giảng viên Đồ họa Đại học Nghệ thuật Huế vào khoảng cuối 2011. Sau quá trình nghiên cứu cách làm giấy dó ở Bắc Ninh, giấy sa ở Thái Lan… Phan Hải Bằng quyết chọn loại cây phổ biến và mang tính biểu tượng của Việt Nam làm nguyên liệu chính. Anh từng thử nghiệm với rơm, tre, mía, chuối… “Mỗi nguyên liệu mang một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên tre đáp ứng đủ các yêu cầu, vừa thỏa mãn tính ứng biến của nghệ thuật tạo hình, vừa có đủ độ bền, dai như giấy thông thường. Các xơ tre vừa đủ dài có thể tự động kết dính với nhau trong tấm Trúc chỉ mà chưa cần thêm bất kỳ chất keo nào - rất thích hợp cho việc chế tác, làm tranh” - Họa sĩ Hải Bằng khẳng định.
Người sáng chế ra Trúc chỉ và lối vẽ trên bột giấy ướt là họa sĩ Phan Hải Bằng - Giảng viên Đồ họa Đại học Nghệ thuật Huế vào khoảng cuối 2011. Sau quá trình nghiên cứu cách làm giấy dó ở Bắc Ninh, giấy sa ở Thái Lan… Phan Hải Bằng quyết chọn loại cây phổ biến và mang tính biểu tượng của Việt Nam làm nguyên liệu chính. Anh từng thử nghiệm với rơm, tre, mía, chuối… “Mỗi nguyên liệu mang một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên tre đáp ứng đủ các yêu cầu, vừa thỏa mãn tính ứng biến của nghệ thuật tạo hình, vừa có đủ độ bền, dai như giấy thông thường. Các xơ tre vừa đủ dài có thể tự động kết dính với nhau trong tấm Trúc chỉ mà chưa cần thêm bất kỳ chất keo nào - rất thích hợp cho việc chế tác, làm tranh” - Họa sĩ Hải Bằng khẳng định.
Những tác phẩm Trúc chỉ
Được đào tạo về thiết kế Đồ họa tại Đại học Mỹ thuật TPHCM, nhưng Ngô Đình Bảo Vi lại đặc biệt hứng thú với việc tạo ra các nghệ phẩm có thể cầm nắm được. Sau khi tới triển lãm Nghệ thuật Trúc chỉ tháng 9/2012 tại Đà Lạt, Vi không thôi nghĩ về Trúc chỉ. Tháng 7/2013, cô quyết định dẹp công việc riêng (một xưởng đồ da và quán cà phê) đang vào guồng tại Sài Gòn, theo tiếng gọi Trúc chỉ đến Huế, mang theo một kế hoạch dài hơi. Phan Hải Bằng và Ngô Đình Bảo Vi mong muốn ít nhất 5-10 năm sau có thể làm cho thế giới biết Việt Nam, bên cạnh giấy dó còn có Trúc chỉ, cũng như Nhật có giấy washi, Hàn Quốc có hanji…
Những người làm Trúc chỉ tuân thủ phương châm “phép cộng và sự trở về”. Sự trở về với truyền thống đã cho họ giấy tre. Không chỉ dừng lại ở việc biến nó thành Trúc chỉ, họ còn kết hợp (cộng) với các loại hình nghệ thuật khác, gia tăng đời sống cho Trúc chỉ. Với quan niệm giấy không chỉ là nền cho các sáng tạo khác, mà hoàn toàn có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, Phan Hải Bằng và các cộng sự đã khai thác Trúc chỉ để thực hiện nhiều tác phẩm, liên tiếp các triển lãm từ 2011 đến nay và đã đạt được một số giải thưởng của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, Hội Mỹ thuật Việt Nam…
Thư pháp Trúc chỉ do “ông Đồ” Nguyễn Phước Hải Trung – Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế biểu diễn
Từng tấm Trúc chỉ được seo riêng cho việc in ảnh tranh, ảnh in xong rồi thì khâu từng mũi kim, lựa từng miếng da để phối với nhau và rồi tìm cách gài để hoàn tất. Đối với lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, giấy Trúc chỉ có thể được sử dụng vào khá nhiều các sản phẩm sau khi được seo và tạo các lớp hình nông sâu hay in ấn hình ảnh lên bề mặt. Với kết cấu sợi tự nhiên, Trúc chỉ có đầy đủ khả năng về tính chất lý hóa trong thiết kế các sản phẩm khác nhau như hộp, đèn các loại, quạt, nón, bìa sách, vỏ đĩa CD, ví đựng tiền, bình phong…
Điều đặc biệt là, với định hướng trở về để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, một số bộ sản phẩm Trúc chỉ hiện nay chủ yếu sử dụng những hình ảnh biểu tượng được chọn lọc từ vốn cổ mỹ thuật, trước mắt là của khu vực Kinh thành Huế, để làm trang trí và truyền thông điệp. Đó là các bộ quạt, đèn nến, đèn bát giác với các hình ảnh lấy từ phù điêu trang trí trên bộ cửu đỉnh ở Đại nội Kinh thành Huế, hình ảnh từ bộ Bát âm của dòng tranh dân gian làng Sình, các hoa văn họa tiết thảo mộc, chim thú, linh vật từ di sản mỹ thuật Huế. Ngoài ra các sản phẩm Trúc chỉ còn chuyên chở những hình ảnh kiến trúc cổ, danh nhân, danh lam thắng cảnh của Huế, của Việt Nam để giới thiệu và lan tỏa trong giới trẻ người Việt và du khách nước ngoài.
Tin: Bảo Lâm - Quốc Toàn
Theo langngheviet.com.vn
Bình luận