Nằm ở phía nam cầu Bến Tắt, ngôi nhà làm từ hơn 300 vỏ các loại bom, pháo và hàng ngàn kỉ vật chiến tranh đã được dựng lên. Thấp thoáng dưới bóng cây, ông Trần Công Chức, quê ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trầm ngâm lau chùi, sắp xếp lại từng kỉ vật chiến tranh trong ngôi nhà bom này.
Ông Chức thủ thỉ, ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lửa Quảng Trị. Ông có 6 người thân trong gia đình mất vì chiến tranh và bom đạn. Năm 1967, 6 anh chị ruột của ông đã bị bom Mỹ giết chết. Ngay từ năm mới ngoài 30 tuổi, ông đã ấp ủ sưu tầm những quả bom thời chiến tranh để thực hiện xây dựng nhà trưng bày… bom đạn. Hơn 20 năm sau, “ngôi nhà bom” ông hằng mong ước đang dần thành hình hài.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị được ví như túi bom, là vùng “đất lửa”. Ông Chức bảo, khắp đất nước này đâu đâu cũng phải hứng chịu những nỗi đau chiến tranh, nhưng Quảng Trị là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Và bây giờ, Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như địa đạo Vịnh Mốc; Hiền Lương - Bến Hải; Cồn Tiên, Dốc Miếu; sân bay Tà Cơn; Đường 9 Khe Sanh… Quảng Trị còn được ví như “bàn thờ Tổ quốc” khi có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước, là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9; có Thành cổ Quảng Trị - nơi hàng ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong những ngày bão lửa.
Công trình “Nhà bom của kỉ vật - Kí ức chiến tranh”
Khắc sâu “thời hoa lửa”
Năm 2019, ông Chức chuẩn bị khởi công xây dựng nhà bom. Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến ông phải hoãn lại niềm ấp ủ của mình.
Đầu năm 2023, ông cùng những người bạn tâm huyết đã quyết định thực hiện ý tưởng về nhà bom. Nguyên vật liệu tạm thời được sử dụng từ chính những vỏ bom, đạn pháo tìm kiếm được. Căn nhà làm hoàn toàn bằng bom được xây dựng trên một phần đất rộng chừng 10.000m2, thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông Chức cho biết, mỗi trụ cột có từ 4 - 6 vỏ bom, vỏ đạn kết nối với nhau bằng cách hàn xì kết dính. Riêng phần nhà bom, diện tích khoảng 300m2, với hơn 30 dãy cột nhà được làm từ những quả bom rỗng ruột không còn thuốc nổ và kíp nổ. Có những vỏ bom nặng đến 600kg, việc gắn kết những khối bom lại sao cho thành những cột thẳng đứng thay cho vật liệu thông thường khác như gỗ, cột đúc xi-măng là vô cùng khó khăn. Có những quả bom thường gọi là bom tấn, bom tạ... dù đã không còn thuốc bom bên trong nhưng nặng hàng trăm kg và chỉ có máy móc mới di chuyển được. Một cột trụ 4 - 6 quả bom, đạn kết nối với nhau có trọng lượng lên tới cả tấn. Nhiều người đến tham quan ngôi nhà đều trầm trồ khi thấy các cột của ngôi nhà được làm từ vỏ bom. Phía trên, mái nhà được lợp bằng lá cọ vừa mộc mạc vừa mát mẻ.
Một số vỏ bom được sơn lại và dán các thông số về chiều dài, cân nặng, loại bom.
Ông Chức bộc bạch, ông chọn khu vực gần Nghĩa trang Trường Sơn để mua đất và xây dựng ngôi nhà bom. Bởi Nghĩa trang Trường Sơn là nơi thiêng liêng, ngày ngày có nhiều người đến thăm viếng. Vậy nên, ông muốn khi mọi người đến đây không chỉ thăm viếng các liệt sĩ, mà còn có những trải nghiệm thực tế các công trình “kí ức chiến tranh”, giúp họ có thêm cái nhìn trực quan về chiến tranh.
“Tôi muốn nơi này không chỉ là nơi lưu giữ kỉ vật, là nơi tìm đến của những người đã sống và chiến đấu trong chiến tranh, những người trẻ tuổi muốn tìm hiểu lịch sử. Tôi muốn nơi này là một nơi để mọi người tìm đến để yêu thêm lịch sử và đất nước Việt Nam mình. Tôi muốn thế hệ mai sau hiểu sâu sắc và luôn tri ân công lao của ông cha ta đã đổ xương máu để giành độc lập tự do. Hiểu sự ác liệt của chiến tranh để yêu chuộng hoà bình”, ông Chức chia sẻ.
Ông Chức cho biết thêm, nơi này không bán vé tham quan, không đặt nặng đến lợi nhuận. Mục tiêu của nhà bom này nhằm phục vụ cho người dân cả nước, nhất là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Hầu, Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, khi ông Chức làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chính quyền địa phương đã kiểm tra và xét thấy đủ điều kiện để xây dựng nhà bom này nên tạo điều kiện hết sức. Xã đã phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện kiểm tra, hướng dẫn làm các thủ tục theo đúng quy trình, quy định. Đồng thời hi vọng đây sẽ là một địa điểm lịch sử để người dân cả nước có thể tìm hiểu thêm về sự khốc kiệt của chiến tranh, cũng như sự hi sinh của các cán bộ, chiến sĩ để đất nước được độc lập mãi mãi.
Theo kế hoạch, kí ức Trường Sơn và ngôi nhà bom sẽ được khánh thành và đưa vào phục vụ người dân và du khách dịp 27/7 năm nay.
Bình luận