Sau hai năm thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, bốn huyện Nam Ðàn (Nghệ An), Hải Hậu (Nam Ðịnh), Ðơn Dương (Lâm Ðồng) và Xuân Lộc (Ðồng Nai) đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Như vậy, bên cạnh những đột phá về chính sách, việc phát huy lợi thế của từng địa phương trong xây dựng NTM kiểu mẫu là cách làm phù hợp, cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Từ lợi thế địa phương
Huyện Nam Ðàn (Nghệ An) được chọn thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Ðến nay, huyện đã phê duyệt thành công quy hoạch vùng và quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn gắn với trải nghiệm mô hình sinh thái, trang trại hoa, các làng nghề truyền thống. Trong đó, trọng tâm là khu di tích quốc gia; đặc biệt, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Vua Mai Hắc Ðế và di sản dân ca ví dặm... từng bước khẳng định “phát triển văn hóa gắn với du lịch” là hướng đi đúng và trúng góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 46 triệu đồng/người/năm.
Việc xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng “sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững”, cũng đã được triển khai thực hiện đồng bộ, dựa trên những nền tảng sẵn có của huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh). Ðến nay, huyện đã xây dựng được bốn tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện; nâng cấp và lắp đặt được 15 hệ thống xử lý khói bụi tại các lò đốt rác tập trung theo hướng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các hộ chăn nuôi tập trung xây dựng được 1.700 hầm biogas, nhằm giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải chăn nuôi. Bước đầu hình thành nhiều mô hình NTM kiểu mẫu cấp xóm và cấp xã.
Không chọn hướng đi trong xây dựng NTM kiểu mẫu như Nam Ðàn, Hải Hậu, huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai) bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Ðến nay, huyện đã triển khai thành công sáu dự án liên kết sản xuất, xây dựng được 15 mã vùng trồng các loại cây chủ lực như: hồ tiêu, xoài, chôm chôm, sầu riêng, rau xanh. Ngoài thành công trong quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, huyện còn mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch... giúp nâng cao giá trị bình quân đất trồng trọt đạt 170 triệu đồng/ha. Từ đó, tăng thu nhập cho người dân toàn huyện đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm.
Cũng giống như huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai), huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng) cũng đã thành công khi chọn nông nghiệp là trọng tâm trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Ðơn Dương đã có hai vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, gần 90% diện tích đất sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao. Trong hai năm, huyện cũng đã xây dựng được 35 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, 30% sản lượng nông sản tại huyện được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Ðơn Dương đã và đang trở thành nơi tập trung của các mô hình trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh hàng đầu Việt Nam bao gồm: Công ty cổ phần sữa Ðà Lạt, trang trại bò sữa Vinamilk Ðà Lạt, trang trại hoa lan YSA Orchid Farm...
Ðánh giá về những kết quả bước đầu trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau hai năm thực hiện thí điểm xây dựng bốn huyện NTM kiểu mẫu, các địa phương đã từng bước hoàn thiện thiết chế hạ tầng, định dạng từng vùng với nét đặc trưng thế mạnh của mình, sản xuất theo hướng tập trung, khai thác đúng lợi thế địa phương với tôn chỉ mục đích cuối cùng là sản xuất phát triển; kinh tế nông thôn phát triển; hạ tầng đồng bộ; bảo đảm môi trường; bảo đảm an sinh, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân và xóa nghèo.
Ðến xây dựng nông thôn mới bền vững
Theo Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, hiện việc xây dựng huyện NTM kiểu mẫu vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong rà soát, đánh giá thực trạng theo từng tiêu chí nâng cao trong đề án đã được phê duyệt gắn với những định hướng và yêu cầu của giai đoạn mới 2021- 2025. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong phối hợp thực hiện đề án xây dựng NTM kiểu mẫu. Việc phân bố nguồn vốn còn hạn chế, thậm chí còn chậm so với nhu cầu thực tế xây dựng NTM tại địa phương, dẫn đến ba trong bốn địa phương chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu không đạt được tiến độ như dự án đặt ra (số xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu). Ðiều đó cho thấy cần phải có thay đổi trong chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Chỉ ra những điểm nghẽn của huyện Nam Ðàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, mặc dù đã xây dựng được những mô hình cụ thể gắn với lĩnh vực kiểu mẫu, nhưng các mô hình còn mang tính đơn lẻ, và phân tán, chưa có sự kết nối để hình thành các tua, tuyến du lịch nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Các hoạt động khai thác giá trị của di sản dân ca ví dặm còn hạn chế, dẫn đến nhiều mục tiêu của Nam Ðàn chưa thể hoàn thành. Còn theo lãnh đạo tỉnh Nam Ðịnh, với những cái khó của một huyện thuần nông, thu ngân sách thấp như Hải Hậu, việc tiếp cận, tổ chức đánh giá thực trạng NTM so với tiêu chí kiểu mẫu để phát triển bền vững còn chậm, chưa xác định đúng thực trạng các tiêu chí đạt và chưa đạt dẫn đến việc xây dựng kế hoạch thực hiện tại một số xã còn hạn chế, chưa bám sát mục tiêu của đề án... Chưa kể, Bộ tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu có những yêu cầu khá cao so với thực trạng chung của các địa phương. Một số quy định về NTM cấp xã chưa thật sự phù hợp với điều kiện và thực tế của vùng đồng bằng sông Hồng.
Ðể việc xây dựng NTM kiểu mẫu chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”, hiện các huyện đã và đang tiếp tục thống kê, rà soát các tiêu chí NTM đã đạt của từng xã để có những hỗ trợ, giải pháp phù hợp duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí nhằm cán đích xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu gắn với thế mạnh địa phương. Bên cạnh đó là đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản vốn là thế mạnh của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo ra những đột phá về kinh tế, trở thành động lực cho xây dựng NTM kiểu mẫu. Song song với đó là hình thành mạng lưới du lịch trải nghiệm gắn với du lịch di sản, nhằm biến mỗi người dân, cộng đồng trở thành sứ giả lan tỏa những giá trị văn hóa, tinh thần đến du khách trong nước và nước ngoài.
Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, để NTM kiểu mẫu có thể sớm đi đến thành công cùng với sự nỗ lực của địa phương rất cần các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ các huyện thực hiện Ðề án thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương triển khai các định hướng, nội dung về chuyên môn, kỹ thuật để hình thành các chủ đề về NTM kiểu mẫu. Ðặc biệt là gắn với những định hướng và yêu cầu mới của giai đoạn 2021-2025.
Thực tiễn xây dựng NTM kiểu mẫu thời gian qua cho thấy, sự chủ động của người dân, chính quyền trong huy động sức dân và lựa chọn thành công thế mạnh của địa phương, biến thế mạnh trở thành nguồn lực trong xây dựng NTM là hướng đi đúng đắn. Ðó không chỉ là “chìa khóa” mở ra thành công cho những dấu mốc quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, mà còn là kim chỉ nam cho suốt hành trình giàu hóa nông thôn.
Bình luận