Phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác
Tin Quốc Tế

Phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung cốt lõi của Đề án “Chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035”

Bến Nhà Rồng-Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người

Bến Nhà Rồng-Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người

Hiện, TPHCM có hai cơ sở văn hóa đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM) và Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (Quận 5) được xếp loại di tích cấp thành phố và cấp quốc gia.

Ngoài 2 địa điểm này, nếu người dân, du khách muốn đến thăm, tìm hiểu những nơi Bác từng dừng chân hay những không gian văn hóa gắn liền với Bác thật sự chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiếm hoi.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một bức tượng ngoài không gian công cộng hay vài ba tác phẩm văn học nghệ thuật… mà còn tổng hòa nhiều yếu tố, hướng đến hình thành lối sống nơi con người TPHCM, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh…

Hiện nay TPHCM có nhiều không gian văn hóa công cộng đã phát huy được công năng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, những con đường, phố đi bộ này cần tìm cách để không gian văn hóa ấy có nét riêng của người Nam bộ, của thành phố mang tên Bác. Để thành phố thêm phần cuốn hút, tạo được động lực, phải tìm ra những nét riêng của thành phố, tạo những sản phẩm văn hóa đặc thù Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như sự năng động, cởi mở, hiện đại, văn minh và nét nghĩa tình phải nổi lên. Theo đó, nghĩa tình người Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng trong các không gian công cộng cần được thể hiện rõ nét là sự cởi mở, gần gũi…

Một trong những ý tưởng đáng chú ý là việc dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật mang tính định kỳ, tại không gian văn hóa ngoài trời như phố đi bộ Nguyễn Huệ, có thể tổ chức các chương trình ít nhất mỗi quý một lần, nhưng phải duy trì thường xuyên, định kỳ. Mỗi năm, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa xây dựng rất nhiều chương trình, kịch mục đa dạng, nhiều phong cách, vậy nên có thể chọn lựa chương trình nào thật sự chất lượng và hấp dẫn để tổ chức biểu diễn tại không gian văn hóa này hoặc có thể xây dựng các chương trình nghệ thuật theo chủ đề…

Nhằm phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về văn hóa cho rằng, Thành phố cần đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, bộ máy quản lý văn hóa, sự phát triển các lĩnh vực văn hóa để có chính sách đột phá cho từng lĩnh vực theo chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, khi thông tin đề án chiến lược được thông qua, nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong ngành Văn hóa vui mừng, bởi đây là một trong những bước tạo tiền đề cho các thiết chế văn hóa được chú ý, phát triển hơn, giúp ngành Văn hóa tiếp tục có những bước chuyển mình đáng kể.

Điều quan trọng hơn cả là TPHCM phải có định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên những địa điểm thưởng thức văn hóa nghệ thuật miễn phí, thường xuyên, cố định, phục vụ cộng đồng.

Tin: PN

Theo baochinhphu.vn

 

Bình luận