Ngày 26/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023.
Triển vọng “Ổn định” thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.
S&P đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng vài năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn rõ rệt so với mức trung bình các quốc gia với mức thu nhập tương đồng. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023.
Ổn định kinh tế vĩ mô cùng với các lợi thế cạnh tranh về lao động, tiêu chuẩn giáo dục được cải thiện và nhân khẩu học thuận lợi là động lực chính tăng cường sức hấp dẫn ở khu vực chế biến, chế tạo đối với các doanh nghiệp toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu dùng.
Về mặt xã hội, S&P ghi nhận Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân.
Trong lĩnh vực tài khóa, S&P đánh giá nền tài chính công của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái ổn định, kể cả trong bối cảnh tình hình thu, chi của ngân sách gặp áp lực nhất định trước tác động của đại dịch. Tổ chức này dự báo thâm hụt ngân sách có thể gia tăng tạm thời với việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tuy vậy đánh giá dư địa chính sách vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh.
Việc tổ chức S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị-xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với S&P, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
T.C
Theo Nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/s-p-nang-xep-hang-tin-nhiem-dai-han-cua-viet-nam-len-muc-bb--698906/
Bình luận