Bát Tràng trước đây là ngôi làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, theo sử sách còn ghi, xã Bát Tràng với tên xã Bát xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1352. Đến Thế kỷ XV, tên xã Bát Tràng xuất hiện trong sử liệu và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, Bát Tràng đã sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm sứ, như: men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam…Những đặc trưng của các loại men cùng các họa tiết trang trí đã góp phần tạo nên thương hiệu nổi tiếng của làng gốm sứ Bát Tràng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lúc thịnh, lúc suy, cho đến nay, gốm Bát Tràng vẫn giữ được những vẻ đẹp độc đáo và tinh xảo trong từng sản phẩm, đưa gốm sứ Bát Tràng ngày càng hội nhập và phát triển trên thị trường thế giới.
Xưởng sản xuất của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).
Hiện các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác cao, tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc. Đặc biệt, nét đẹp và độ tinh xảo của gốm Bát Tràng được thể hiện ở quy trình sản xuất thủ công trên bàn xoay, kiểu be trạch tạo xương gốm dày cùng kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ rót vào khuôn thạch cao. Đề tài phổ biến trên các sản phẩm là hình rồng, phượng, thơ, câu đối, hoa văn; phản ánh thiên nhiên, đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày… qua con mắt và tâm hồn người thợ.
Nghề gốm sứ làng Bát Tràng là sự kết tinh sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Khi chế tác sản phẩm, nghệ nhân ngoài việc vận dụng những kỹ thuật được học từ cha ông còn phải mày mò, tìm hiểu, khám phá và sáng tạo ra những họa tiết, hoặc kỹ thuật, hoặc mẫu mã mới, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Gốm sứ Bát Tràng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, có 3 dòng chính: Đồ gốm gia dụng; Đồ gốm dùng để thờ cúng; Đồ trang trí được bán trong nước và xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm gốm của Bát Tràng không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà dần khẳng định được vai trò và thương hiệu trên trường quốc tế. Trong quá trình làm nghề, người dân đã sáng tạo ra các thiết bị, công cụ, máy móc để hỗ trợ cho quá trình làm nghề như lò ga, máy trộn đất, máy nén, khuôn...
Nghề gốm sứ làng Bát Tràng hiện vẫn được cộng đồng thực hành và ngày càng phát triển, mỗi hộ gia đình là một đơn vị sản xuất độc lập. Công nghệ và kỹ thuật trong quá trình sản xuất được cộng đồng ứng dụng để cải thiện chất lượng, số lượng, thời gian, nhân công, vấn đề về môi trường...
Nghề gốm là một trong những đặc điểm nhận diện văn hóa, phản ánh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng cư dân thực hành nghề gốm tại làng Bát Tràng. Cùng trong một làng nhưng sản phẩm của mỗi một nghệ nhân có hồn riêng, đặc trưng riêng. Nghề gốm làng Bát Tràng góp phần lưu truyền, lưu giữ và phổ biến các biểu tượng văn hóa, nước men truyền thống, là động lực để phát triển, phát huy giá trị di sản của các thế hệ trước. Sản phẩm gốm Bát Tràng thể hiện giá trị kỹ thuật, thẩm mỹ của người thợ, tạo nên sự đa dạng, phong phú và nét độc đáo cho những sản phẩm của làng. Nghề gốm ở Bát Tràng đã xây dựng được mạng lưới những người làm nghề đông đảo, Hiệp hội Nghề gốm sứ Bát Tràng và vượt ra khỏi phạm vi làng, xã; xây dựng mối quan hệ kinh tế giữa những người thực hành nghề tạo nên sự gắn kết, tương hỗ lẫn nhau.
Với giá trị tiêu biểu, Nghề gốm làng Bát Tràng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
Thương hiệu gốm sứ Bát Tràng đã khẳng định vị thế và tiềm năng trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Giờ đây, gốm sứ Bát Tràng không chỉ có mặt trên khắp mọi miền đất nước mà còn nổi tiếng ở thị trường nước ngoài. Sản phẩm của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc...
Điểm du lịch làng nghề
Theo UBND xã Bát Tràng, bên cạnh truyền thống làng nghề, xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Năm 2019, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là điểm du lịch của Thủ đô; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Hiện Bát Tràng là điểm du lịch của Thành phố Hà Nội hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm Thủ đô. Bát Tràng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước bằng cách xây dựng cổng thông tin điện tử Bát Tràng, lắp đặt wifi miễn phí, sử dụng máy thuyết minh tự động, ứng dụng du lịch Bát Tràng, kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện thông minh... để phục vụ khách du lịch.
Ngoài áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng còn thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa thu hút giới trẻ “check in”.
Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt khách/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan…
Điều thú vị nhất khi đến Bát Tràng là du khách có thể trực tiếp ngắm nhìn các nghệ nhân làm ra những sản phẩm gốm đầy tinh tế hay được tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích. Một trong những nét mới của khu du lịch Bát Tràng là du khách được tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Đây là công trình mới, có kiến trúc độc đáo, được ví như bảo tàng gốm sứ của Bát Tràng, đang trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách.
Đến thăm làng gốm sứ Bát Tràng hôm nay, khách hàng có thể nhận thấy rất rõ sự nhạy bén của những người thợ gốm, họ đã làm mới mình để hoà nhập vào cuộc sống hiện đại. Hiện nay, những sản phẩm như lọ hoa, ấm chén...của Bát Tràng được làm thủ công với những mẫu men cổ truyền như trắng, xanh tím, hoa văn thô sơ đã nhường chỗ cho những sản phẩm đẹp mang tính nghệ thuật cao, phong phú về chủng loại và đa dạng về kiểu dáng.
Việc Bát Tràng trở thành điểm du lịch đã và sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất cũng như du lịch của Bát Tràng theo hướng bền vững, vừa bảo tồn, phát triển những giá trị của làng nghề truyền thống, vừa bảo vệ được môi trường sống xanh, sạch, hiện đại.
Góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm
Với sự phát triển của các làng nghề nói chung và làng nghề Bát Tràng nói riêng hiện nay đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết lao động, việc làm cũng như nhiều vấn đề xã hội khác cho các địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt không chỉ ở trong nước mà còn tại thị trường nước ngoài, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đang đứng trước những thách thức để tìm cho mình một chỗ đứng bền vững.
Từ 2002, các nghệ nhân Bát Tràng đã liên kết, cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng nên rất thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa làng nghề địa phương ngày càng phát triển, khẳng định thương hiệu.
Bát Tràng có 8.500 khẩu nhưng có hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Hơn 80% người dân trong làng sinh sống bằng nghề sản xuất gốm sứ. Nghề gốm của Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã mà tạo công ăn việc làm cho 4000 – 5000 lao động thường xuyên từ nơi khác đến, với thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Theo thống kê của UBND xã Bát Tràng, doanh thu từ nghề gốm mỗi năm lên đến 2.000 tỷ đồng.
Bởi vậy, ở Bát Tràng hiện nay đời sống người dân ngày càng sung túc, hiện đại, đặc biệt số tỷ phú nghề gốm ngày càng gia tăng.
Theo nguồn Bình Nguyên/langngheviet.com.vn
Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/tinh-hoa-lang-nghe-gom-su-bat-trang-29006.html
Bình luận