Vất vả người già mưu sinh
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Vất vả người già mưu sinh
Tin Quốc Tế

Vất vả người già mưu sinh

Sau những năm làm việc miệt mài, bước vào tuổi già, ai cũng mong muốn có cuộc sống an nhàn, con cháu đề huề, kinh tế vững vàng, có tích lũy để dành.

Thế nhưng không phải người già nào cũng có được cuộc sống như vậy, vẫn còn không ít người già cô đơn, vất vả, túng bấn tới tận lúc sắp lìa đời. Thậm chí có nhiều người già còn rơi vào tình cảnh đau đớn, buồn tủi đến cùng cực khi con cháu bạc đãi khiến họ phải tha hương, cầu thực, vắt cạn kiệt chút sức lực còn lại để mưu sinh.

Tha hương nơi phố thị…

Ở rất nhiều thành phố tại các tỉnh phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh, có không ít người già tới từ các vùng quê khác nhau cố “bám trụ” để kiếm tiền, kiếm miếng ăn qua ngày. Trong số họ, có những người đã ở tuổi U70, U80. Mỗi người một hoàn cảnh, có rất ít người tự nguyện ra đi vì thương con thương cháu, muốn giúp đỡ, phụ thêm cho chúng bằng những đồng tiền mình kiếm được, phần lớn đều có hoàn cảnh éo le, đáng thương. Có người bị con cái ngược đãi, bỏ bê không nuôi, không chăm sóc. Có người con chết sớm, đành phải dời quê, tha hương cầu thực.

Bà Lê Thị Hương, năm nay 71 tuổi, quê Quảng Ngãi, đã 6 năm bán vé số dạo tại khu vực TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, lên thành phố kiếm tiền là do muốn giúp đỡ con cháu nghèo túng. Bà tâm sự: “Mới đầu thì tôi cũng không biết sẽ đi đâu, làm gì để có thể kiếm tiền giúp con cháu, nhưng khi nghe mấy cụ già khác ở xã bên vào Sài Gòn bán vé số kiếm được tiền, thế là tôi đi”. Bà Hương còn cho biết, qua 6 năm bán vé số ở thành phố, cụ đã rất vui vì phần nào phụ giúp cho gia đình người con trai, khi hằng tháng tích cóp được đồng nào bà đều gửi về, chỉ giữ lại chút ít phòng khi đau ốm, chi trả tiền trọ, tiền ăn…

Vất vả người già mưu sinhRất nhiều người già tới TP HCM chọn công việc bán vé số dạo để kiếm tiền mưu sinh
Ông Trần Văn Đang, 69 tuổi, quê Thanh Hoá lại là người “bắt buộc” phải dời quê mưu sinh vì những đứa con bất hiếu. Ông sinh được 2 người con trai, vợ mất từ lúc còn trẻ do bạo bệnh, ông đã đứng lại nuôi các con mà không đi bước nữa. Khi các con lớn khôn, xây dựng gia đình thì cả hai hắt hủi, không đứa nào muốn nuôi bố. Ông quá đau lòng nên đã theo ông bạn cùng xã vào Nam bán vé số dạo kiếm sống.

Ngoài đại đa số NCT còn sức lực để mưu sinh kiếm tiền, cũng có không ít người do quá già yếu, phải đi ăn xin để sống qua ngày…

Vất vả cuộc mưu sinh

Hằng ngày, bà Lê Thị Yến, 67 tuổi, quê An Giang đã 3 năm nay bán vế số dạo tại khu vực quận 1,3,5 ở TP Hồ Chí Minh phải dậy từ sáng sớm đến đại lí mua buôn vé số, sau đó đi bộ rong ruổi bán suốt từ quận này qua quận khác, tới chiều mới về lại nơi trọ. Những hôm trời mát còn đỡ, gặp ngày nắng nóng, nhất là vào mấy tháng mùa khô, đi bộ suốt ngày rất mất sức.

Bà Nguyễn Thị Hà, 66 tuổi, quê Bình Định vào Sài Gòn bán vé số dạo đã 7 năm cho hay, mỗi ngày bà phải đi bộ trên quãng đường cả vài chục km, nhiều khi ế ẩm phải ra đứng ở lề đường, nút giao thông để “vẫy” khách qua đường mua giúp. Có người bị bệnh khớp gối, đi lại hết sức khó khăn nhưng vẫn phải cố.

Kiếm tiền vất vả, vì thế hầu hết đều chi tiêu vô cùng tằn tiện. Có người sáng ra chỉ dám “lót dạ” gói xôi 5 ngàn đồng, hoặc sang lắm là hộp bánh ướt hay bún xào 12k. Nhiều người chỉ dám điểm tâm bằng chiếc bánh mì không 2 nghìn. Ngay cả bữa trưa vốn là bữa ăn chính, nhiều người đều chỉ dám chi từ 10-15k. Ông Lý Văn Linh, 72 tuổi, quê Bình Thuận, 4 năm nay thường bán vé số dạo ở khu vực quận 4, 7, 8 TP Hồ Chí Minh kể: “Mỗi ngày đi bán vé, tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng, nên tiền ăn tiền trọ chỉ dám chi trong ngưỡng 100.000 đồng. Ngay cả nước uống chúng tôi cũng mang theo từ nhà, hoặc xin trà đá miễn phí ở lề đường”.

Nhiều NCT làm công việc khác như phụ hàng ăn, tiệm cà phê suốt từ sáng sớm tới tối khuya phải luôn chân luôn tay lau dọn, nhặt rau, rửa chén bát…, tới khi hết giờ làm thì thân thể mệt mỏi rã rời. Nhiều người bán tăm, bông, khăn giấy, khẩu trang… ở các nút giao thông đông đúc, ngoài phải ngồi suốt ngày dưới trời nắng nóng, còn phải hít bụi, khói xăng xe khiến họ luôn cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Lời kết

Nhìn những NCT, nhất là những cụ đã già, sức tàn, lực kiệt, mắt mờ, chân tay run rẩy lết từng bước trên khắp nẻo phố phường đô thị để bán hàng, làm thuê làm mướn, hẳn ai cũng động lòng trắc ẩn. Những đứa con không biết yêu quý, kính trọng và biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha nghĩ gì, khi để cha mẹ già vất vả, mỏi mòn lê gót mưu sinh kiếm tiền nơi thành phố?

Bài và ảnh Thạch Bích Ngọc

Theo ngaymoionline.com.vn

https://ngaymoionline.com.vn/vat-va-nguoi-gia-muu-sinh-34283.html 

Bình luận