Sau bao lần lên kế hoạch, những ngày cuối năm Nhâm Dần, tôi mới có dịp trở lại Pha Lán, một bản nghèo, vùng sâu, vùng xa của bà con dân tộc Sán Chay thuộc xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, nơi tôi đã từng cắm bản, gieo con chữ cho các em nhỏ nơi đây cách nay gần 40 năm.
Ngày ấy con đường đất đá lổn nhổn, ngoằn ngoèo chạy từ trung tâm huyện lên các xã, đoạn qua bản Pha Lán (nay là thôn Pha Lán) chỉ vừa một người đi, giờ được thay bằng con đường trải nhựa rộng rãi láng bóng đẹp như dải lụa ôm lấy những rừng keo, rừng bạch đàn cao sản. Những ruộng lúa vừa gặt xong còn thơm mùi rạ mới. Những nương sắn, nương ngô lá đang ngả vàng báo hiệu một mùa thu hoạch đã đến. Chỉ cần nhìn những ngôi nhà vững chãi, rộng rãi, sáng sủa, những khuôn mặt rạng ngời của người dân, của con trẻ tung tăng đến trường mọi người đều có một cảm nhận cuộc sống no ấm của người dân nơi đây và đang trên đà phát triển. Một cuộc sống đi lên với niềm vui hạnh phúc trong mỗi ngôi nhà.
Đường vào thôn văn hóa Pha Lân
Nhà Văn hóa ngay đầu bản được xây dựng thật khang trang. Gần đến nơi đã nghe thấy tiếng hát bay ra rộn rã. Tôi gặp ông Mễ Đào, trước kia ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch của xã Thanh Lâm, nghỉ hưu, ông được bà con tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn nhiều năm qua. Ông Đào cho biết: "Chị em trong bản đang tập các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho tổng kết cuối năm của bản. Pha Lán là một trong những bản có phong trào văn hóa văn nghệ xuất sắc của xã Thanh Lâm. Mới đây, trong cuộc thi văn nghệ, thể thao của xã, bản đã dành liên tiếp hai cúp vàng của: Giải bóng chuyền hơi nữ và giải bóng đá nam. Đội dân vũ có 12 thành viên. Chị em luôn nhiệt tình phục vụ các hội nghị, các sự kiện của xã, của bản. Vừa qua, trong ngày Đại đoàn kết của toàn dân do xã tổ chức, chị em thôn tôi vinh dự được mang tiết mục của mình phục vụ chương trình khai mạc ngày hội. Trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân của bản chị em đã ra mắt 5 tiết mục được bà con nhiệt liệt hoan nghênh. Hiện nay đội văn nghệ có thêm nhiều hội viên mới. Các chị em đang tranh thủ giúp nhau luyện tập. Đó là một sự cố gắng của chị em, sự nhiệt tình động viên của cán bộ lãnh đạo thôn đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên trong chi bộ để góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư. Trong bản còn có một số nghệ nhân hát Soóng cọ… loại hình dân ca truyền thống của dân tộc Sán Chay, như ông Trần Văn Thái, bà Ân Thị Lý, bà Lý Thị Chung… đang tích cực sưu tầm, bảo tồn vốn cổ của dân tộc mình và đang xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức truyền dạy trong lớp trẻ".
Một góc bản Pha Lán hôm nay
Niềm vui nhân lên gấp bội bởi đời sống nhân dân đang đi lên từng ngày. Ngơi tập luyện các ông bà, các anh chị lại lên nương, xuống đồng với lúa, với cây trồng, với đàn lợn, đàn gà. Ngày trước đến Pha Lán vào mùa này là mùa cây khô lá vàng ta sẽ chỉ thấy những đồi cây lơ thơ heo hắt trong nắng gió hanh heo. Những vạt nương trơ gốc rạ loi thoi trong những cơn gió bấc. Phải chờ tới cuối xuân sang khi mưa rào xuống mới lại có màu xanh. Bây giờ thì khác rồi, cảnh tượng ấy nay chỉ còn trong trí nhớ, bởi đến Pha Lán dù là đang những ngày hanh khô nhưng những rừng bạch đàn, keo cao sản đang lên xanh mướt. Bên cạnh đó là những vạt rừng trồng quế, những đồi trà hoa vàng, những đồi gỗ dổi trồng xen cát sâm đan xen nhau dọc trên các tuyến đường… Nhân dân tích cực phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ thu tiền tỷ/năm. Hiện xã đang sưu tầm thêm giống sâm Ngọc linh giao cho một số hộ dân trong thôn trồng thí điểm. Nếu thành công chắc chắn đời sống nhân dân sẽ tăng lên gấp bội. Đó đây những vạt rừng thu hoạch dở dang, lộ ra những khoảng cây đều tăm tắp… Xe chở gỗ về cơ sở sản xuất qua lại trên đường. Những đồi cây mới trồng cũng đang lên xanh… Nhà tầng, nhà kiên cố, việc học hành của con em được đến nơi đến chốn cũng từ những đồi cây đó mà có. Từ đó bà con càng chăm chỉ trồng rừng, chăm chút những khu đồi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, để vừa có kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bí thư, trưởng bản Mễ Đào, đã qua 12 năm gắn bó với dân, tâm huyết cùng dân, chia sẻ: Chi bộ Pha Lán có 16 đảng viên. Từ nay đến hết nhiệm kỳ năm 2025, chi bộ chúng tôi quyết tâm giúp dân xóa nhà dột, vươn lên tự chủ làm giàu. Bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, tích cực hưởng ứng, áp dụng khoa học vào lao động sản xuất… để hoàn thành tiêu chí: Xây dựng nông thôn mới và vươn lên xây dựng nông thôn kiểu mẫu.
Một bản Pha Lán nghèo nàn, lam lũ khi xưa với hơn chục nóc nhà. Nhiều gia đình đói khổ quá phải dắt díu nhau đi các miền xa khác để tìm kế sinh nhai, hy vọng sự đổi đời. Còn bây giờ, đời sống của bà con ngày càng ổn định, trẻ em được học hành. Ngôi trường xưa lèo tèo vài lớp học ghép cho cả hai buổi sáng, chiều mới có hơn chục học sinh. Trên đất ấy, giờ là ngôi trường bán trú của xã. Trường xây khang trang, đầy đủ tiện nghi. Các thầy cô giáo được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ… đang dẫn dắt, dạy dỗ con em trong toàn xã. Đến nay bản đạt phổ cập theo quy định nhà nước và địa phương đề ra. 100% học sinh đến tuổi được đi học. Cán bộ thôn đều đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Cả bản có 12 người tốt nghệp đại học. Số người tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề thì rất nhiều. Cho đến nay, năm 2022, có tới 80% gia đình có nhà kiên cố, một số đã có nhà cao tầng. Đó là một con số nói lên niềm vui, sự đổi mới của Pha Lán hôm nay.
Chỉ còn ít ngày nữa là đón Tết Nguyên đán Quý Mão, với mùa lễ hội mới, mọi người dân Pha Lán đang vui mừng phấn khởi đón người thân công tác ở xa, đón con cháu về chung vui. Niềm vui nhân niềm vui. Pha Lán hôm nay là vậy.
Bài và ảnh Nguyễn Thu Mát
Theo ngaymoionline.vn
https://ngaymoionline.com.vn/ve-pha-lan-nhung-ngay-cuoi-nam-40689.html
Bình luận