Vì sao gần đây nhiều trẻ em mắc triệu chứng nôn, đau bụng?
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Vì sao gần đây nhiều trẻ em mắc triệu chứng nôn, đau bụng?
Tin Quốc Tế

Vì sao gần đây nhiều trẻ em mắc triệu chứng nôn, đau bụng?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết đang trong thời điểm giao mùa và đây là lúc nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết... cũng có nguy cơ bùng phát mạnh.

Cùng nhận định trên, PGS-TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tình trạng nhiều trẻ mắc bệnh tiêu hóa phải nhập viện thời gian qua không bất thường.

Hiện bắt đầu vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, các loài côn trùng như ruồi, muỗi, gián, kiến... sinh sôi làm lây lan mầm bệnh.

Do đó, mùa hè cũng là mùa trẻ dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa.

Vì sao gần đây nhiều trẻ em mắc triệu chứng nôn, đau bụng?Nhiều trẻ em mắc các triệu chứng nôn đau bụng, nguyên nhân do đâu? Ảnh minh hoạ

Về tình trạng nhiều trẻ em mắc các triệu chứng nôn, đau bụng thời gian gần đây, ThS. BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E cho rằng, đối với những trường hợp này khi nhập viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận và chủ yếu chỉ định điều trị triệu chứng là chính như: Truyền dịch, bù nước, điện giải.

Ngoài ra các bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định các bệnh lý liên quan do virus.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng không quá nặng, chỉ ở mức độ có nôn, một số trường hợp đau bụng kèm theo sốt hoặc tiêu chảy…

Do vậy, khi được điều trị, trẻ thường đáp ứng nhanh và 1-2 ngày là có thể xuất viện.

Đối với việc chăm sóc và dinh dưỡng trong khi trẻ có các biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ nên theo dõi điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Quan trọng nhất là bù nước và điện giải. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định liều lượng và cân nặng, cho trẻ uống nhiều nước, uống Oresol pha theo hướng dẫn.

Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.

Nên duy trì cho trẻ chế độ ăn bình thường như hằng ngày để cung cấp đủ dinh dưỡng.

Trong trường hợp trẻ nôn, tiêu chảy nhiều nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, súp… Thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, cho trẻ dùng riêng bát đũa là tốt nhất.

Bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên hoang mang, lo lắng vì hiện tại những trường hợp trẻ nhập viện chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa.

Các biểu hiện khác của tổn thương gan cũng được các bác sĩ chú ý cho xét nghiệm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện tại Bệnh viện E có tổn thương viêm gan.

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt, nôn hay tiêu chảy nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách.

Xử trí đau bụng và nôn tại nhà

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ.

Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Trong trường hợp trẻ đã được uống Oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.

Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể.

Nếu trẻ không nôn trớ từ 12-24 giờ thì có thể cho bé ăn uống lại bình thường, nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước. Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua.

Lê Vũ Anh (t/h)

Theo ngaymoionline.com.vn

https://ngaymoionline.com.vn/vi-sao-gan-day-nhieu-tre-em-mac-trieu-chung-non-dau-bung-33955.html

 

Bình luận