“Trường hợp xuất hiện ùn tắc kéo dài từ 750m trở lên tại các trạm thu phí BOT thì nhà đầu tư và đơn vị quản lý trạm thu phí phải tiến hành mở trạm để phương tiện qua lại” là yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các đơn vị liên quan tới thu phí tự động không dừng.
Ảnh minh họa.
Ngày 9/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công điện gửi các các nhà đầu tư BOT; Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam; Công ty TNHH thu phí tự động VETC; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thực hiện một số công việc nhằm đảm bảo đi lại cho người dân tại các trạm thu phí trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị trên tăng cường lực lượng; đảm bảo an ninh, trật tự; phân làn, phân luồng và có các giải pháp phù hợp đảm bảo các trạm thu phí hoạt động liên tục, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, trường hợp xuất hiện ùn tắc kéo dài từ 750m trở lên tại các trạm thu phí BOT thì nhà đầu tư và đơn vị quản lý trạm thu phí phải tiến hành mở trạm để phương tiện qua lại.
Trước đó, trong kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra việc phục vụ vận tải đường bộ; hướng dẫn, đôn đốc Sở Giao thông Vận tải các địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe công khai, minh bạch về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19; kiểm tra chặt điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định.
Bên cạnh đó, trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ. Trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm thu phí đường bộ phải mở barie để giải tỏa phương tiện./.
Bình luận